Thứ trưởng Trần Tiến Dũng: Cần tăng cường công tác hộ tịch, quan tâm vấn đề di cư tại An Giang

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng lưu ý, tư pháp An Giang cần tập trung triển khai các dự án luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp, thực hiện công tác thanh kiểm tra hoạt động các văn phòng công chứng; tăng cường công tác hộ tịch quan tâm vấn đề di cư, cố gắng làm tốt và trong quá trình triển khai có vấn đề sớm báo cáo với Bộ để tháo gỡ.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Đoàn công tác đến thăm Sở Tư pháp tỉnh An Giang.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Đoàn công tác đến thăm Sở Tư pháp tỉnh An Giang.

Chiều 3/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cùng Đoàn công tác làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh An Giang về tình hình công tác những tháng đầu năm.

Báo cáo về công tác tư pháp địa phương, ông Cao Thanh Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2018, Tư pháp các cấp trong tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gắn liền việc thực hiện công tác tư pháp với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp.

Về công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục triển khai thực hiện khá đồng bộ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trên địa bàn cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng Quy ước khóm, ấp. Tỷ lệ hòa giải thành trung bình tại địa phương khá cao, đạt 91,8%. Năm 2017, Sở Tư pháp được UBND tỉnh tặng bằng khen về thực hiện chỉ số Papi. Trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Ngành Tư pháp tham gia tham mưu sâu hơn vào việc kiểm tra hồ sơ pháp lý trước khi trình Chủ tịch UBND quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Về công tác hành chính tư pháp, Sở đãchủ động xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp để giải quyết các vấn đề về hộ tịch, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch, thực hiện quản lý và sử dụng hiệu quả phần mềm “kiềng 3 chân”. Đặc biệt, An Giang là điểm Bộ Tư pháp đã lựa chọn để tổ chức tập huấn đến cấp xã về nghiệp vụ hộ tịch, quốc tịch, cư trú, xuất nhập cảnh và cấp Thẻ thường trú cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước; được UBND tỉnh đầu tư dự án “Đầu tư trang bị máy tính, trang thiết bị và chuyển đổi dữ liệu hộ tịch” với mức đầu tư 20 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2018,Sở Tư pháp đã tiếp nhận 1.954 vụ việc hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp... Từ đầu thàng 5/2018, việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Sở Tư pháp được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Về công tác bổ trợ tư pháp từng bước triển khai bao quát hơn trong một số lĩnh vực; các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp tiếp tục có bước phát triển. Trên địa bàn tỉnh có 84 luật sư là thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh hành nghề tại địa phương; về tổ chức, có 39 tổ chức hành nghề luật sư; có 22 tổ chức hành nghề công chứng, 2 tổ chức giám định tư pháp vụ việc...

Để hoàn thành tốt hơn nữa công tác trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV. Đồng thời,kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành Quy định chung về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng đơn vị thuộc Sở Tư pháp; Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp cấp huyện.

Bộ cũng cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở. Ngoài ra, Sở Tư pháp An Giang kiến nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp có ý kiến trao đổi với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnhtiếp tục quan tâm chăm lo hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng đúng cán bộ trong các cơ quan tư pháp. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa các cơ quan tư pháp.

Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cán bộ tư pháp cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực công tác tư pháp của địa phương. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận những kiến nghị của Sở Tư pháp về việc ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV; cũng như, kiến nghị về việc ban hành Quy định chung về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng đơn vị thuộc Sở Tư pháp; Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp cấp huyện...

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lưu ý địa phương cần tập trung triển khai các dự án luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp, thực hiện công tác thanh kiểm tra hoạt động các văn phòng công chứng; tăng cường công tác hộ tịch quan tâm vấn đề di cư, cố gắng làm tốt và trong quá trình triển khai có vấn đề sớm báo cáo với Bộ để tháo gỡ. Thứ trưởng kỳ vọng Sở Tư pháp An Giang hiến kế thực hiện “mô hình mẫu” để giúp Bộ Tư pháp trong việc tuyên tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng 4.0 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa các cơ quan tư pháp.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng làm việc với Cục THA dân sự tỉnh An Giang.

Báo cáo công tác THADS những tháng đầu năm, Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang - Trần Khánh Dân cho biết, Cục đã bám sát Chương trình công tác trọng tâm của Bộ trong lĩnh vực THADS năm 2018; giao chỉ tiêu cho từng đơn vị, chấp hành viên, tiếp tục phân công lãnh đạo quản lý địa bàn, duy trì các cuộc họp giao ban và trực tiếp làm việc với các Chi cục để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thường xuyên chỉ đạo rà soát, xác minh, phân loại án giải quyết án. Đảm bảo tất cả các án có điều kiện đều được đưa ra thi hành, làm giảm án tồn đọng; bảo đảm thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án và đúng trình tự pháp luật.

Cục đã thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo THADS các cấp được đảm bảo, phát huy hiệu quả công tác. Ngoài ra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được ngành quan tâm thực hiện.

Theo đó, kết quả THADS của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 (tính từ ngày 1/10/2017 - 31/3/3/2018) về việc, tổng số đã thụ lý 13.224 việc, theo đó đã giải quyết xong 3.969 việc chiếm 42,95% số việc có điều kiện thi hành; về tiền đã thụ lý giải quyết hơn 3.644 tỷ đồng, trong đó đã giải quyết xong trên 228,7 tỷ đồng, chiếm gần 11% số có điều kiện thi hành.

Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang, ngành THA địa phương vướng phải một số khó khăn là tổng số việc thụ lý mới tăng 1.377 việc (hơn 11% so với cùng kỳ năm 2017), về tiền tăng hơn 1600 tỷ đồng (tăng gần 38%) nhưng tính chất việc ngày càng khó khăn và phức tạp, án lớn, liên đới đến nhiều người, tài sản người phải thi hành thi hành án (THA) phân tán ở nhiều nơi, một người THA cho nhiều người… Đồng thời, người phải THA luôn tìm mọi cách để tránh né, trì hoãn việc THA, sử dụng quyền khiếu nại để kéo dài việc THA.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ Tư pháp sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS; quy định trình tự thủ tục, thời gian thẩm định giá nhằm rút ngắn thời gian thẩm định giá. Đồng thời, quan tâm đầu từ kho vật chứng cho các đơn vị chưa có kho vật chứng… Đồng thời, kiến nghị Tổng cục THADS tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn và hội nghị chuyên đề trong lĩnh vực THA; tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ; sớm đưa vào sử dụng các phần mềm thụ lý án, văn phòng điện tử; phần mềm quản lý biên lai thu tiền THA.

Sau khi lắng nghe ý kiến của cơ quan chuyên môn, các cơ quan phối hợp trong công tác THA tại địa phương. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao công tác phối hợp của THA địa phương với các cơ quan chức năng tỉnh, đã nỗ lực để đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, An Giang cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được các chỉ tiêu về việc, tiền theo chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh cần kiểm tra rõ việc phân loại án, việc này phải làm thật quyết liệt; quan tâm đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của Chấp hành viên. Ngoài ra, Cục cần quan tâm hơn nữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Thứ trưởng yêu cầu THADS An Giang tranh thủ tối đa sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương những việc khó khăn kéo dài. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Ban chỉ đạo THA tập trung các vụ việc lớn, phức tạp. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra công tác THA, xem lại các khâu tại sao chậm THA.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chỉ đạo Tổng Cục THADS phối hợp với Cục kiện toàn bộ máy nhân sự của Cục THADS tỉnh An Giang. Đồng thời, kỳ vọng ngành THADS tỉnh An Giang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian từ đây đến cuối năm.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng thăm hỏi và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các Chấp hành viên ở cơ sở.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy An Giang về công tác Tư pháp và THADS trên địa bàn.

Nhân chuyến công tác tại An Giang, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Chi cục THADS TP Long Xuyên để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nắm bắt tình hình thực hiện THA ở cơ sở.

Thành Thật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/thu-truong-tran-tien-dung-can-tang-cuong-cong-tac-ho-tich-quan-tam-van-de-di-cu-tai-an-giang-391275.html