Thủ tục Đăng kiểm xe cơ giới: Gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải và người dân

Theo đại biểu Quốc hội, thủ tục đăng kiểm xe cơ giới đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải nói riêng và người dân nói chung.

2,7 triệu lao động bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm

Phát biểu tại hội trường Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn Bình Dương đã nêu những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất, hiện nay tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp vẫn chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể như các ngành dệt may, gỗ là một trong những ngành nghề có thế mạnh về xuất khẩu nhưng hiện đang vật lộn với nhiều khó khăn, thách thức.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn tỉnh Bình Dương

Hiện mặt hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu, ngoài việc thiếu đơn hàng thì các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ theo Nghị định 102 của Chính phủ và Thông tư 26 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiến các doanh nghiệp bị động khi thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu.

Đối với những doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu phân loại doanh nghiệp theo quy định tại nghị định và thông tư thì yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan kiểm lâm trước khi hoàn thành thủ tục xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Thứ hai, theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn, trong khi hàng trăm nghìn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi bởi các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định.

Thời gian gần đây, số lượng người lao động thất nghiệp do thiếu đơn hàng tăng nhanh, họ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được hưởng do không chốt được sổ bảo hiểm- đại biểu cho hay.

Thứ ba, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, mục đích của đăng kiểm xe cơ giới để đảm bảo an toàn kỹ thuật lưu thông trên đường, nhưng hiện nay, thủ tục đăng kiểm đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải nói riêng và người dân nói chung, nhất là những doanh nghiệp logistics đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề và gần như đứt gãy chuỗi cung ứng khi xe không đủ điều kiện lưu thông.

Điều này vô hình chung khiến việc đăng kiểm xe cơ giới không còn là vấn đề kỹ thuật nữa mà trở thành một khoản chi phí phát sinh cho doanh nghiệp và người dân khi việc đăng kiểm kéo dài và mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp- đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng tồn đọng nhiều hồ sơ xin thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy công trình, nhà xưởng chưa được nghiệm thu để đưa vào hoạt động cho doanh nghiệp do không đủ điều kiện đáp ứng theo quy định mới, do chưa có sự đồng bộ trong hướng dẫn thực hiện giữa các ngành chức năng.

Trong khi đó, hồ sơ được phê duyệt về phòng cháy, chữa cháy là một trong những yêu cầu pháp lý bắt buộc để đối tác nước ngoài xem xét, đánh giá năng lực của doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng đặt hàng.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều doanh nghiệp đã gửi hồ sơ thẩm duyệt qua nhiều tháng nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động khi doanh nghiệp không ký kết được đơn hàng.

Gỉai quyết bài toán đăng kiểm

Với những tồn tại nêu trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ, bộ, ngành xem xét gia hạn, phân loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn gỗ rừng trồng tự khai thác của nông dân để doanh nghiệp có thời gian hoàn thành các thủ tục về phân loại theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chỉ đạo Bộ Lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có những cách thức, giải pháp trong việc xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp người lao động bị ảnh hưởng do lỗi từ các doanh nghiệp này gây ra.

Đồng thời, để giải quyết bài toán đăng kiểm, nên tổ chức xã hội hóa ngành đăng kiểm. Chính phủ xem xét mạnh dạn việc phân cấp, ủy quyền cho các hãng ô tô, gara đủ điều kiện, chức năng, kỹ thuật thực hiện công tác đăng kiểm, đồng thời có cơ chế hậu kiểm ngẫu nhiên các cơ sở này để đảm bảo công tác đăng kiểm tư nhân được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định an toàn kỹ thuật cũng như có biện pháp chế tài thật nặng nếu như gara nào vi phạm thực hiện đăng kiểm mà bỏ qua lỗi an toàn kỹ thuật, có như vậy mới giải quyết được bài toán đăng kiểm hiện nay.

Mặt khác, các cơ quan chức năng phải thống nhất trong hướng dẫn quy định cụ thể về vật tư xây dựng liên quan đến phòng cháy, chữa cháy phải phù hợp và hợp lý với điều kiện thực tế cho từng loại hình, lĩnh vực, tính chất, đặc điểm ngành, nghề của doanh nghiệp và tránh phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo đại biểu, qua dự báo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm sẽ còn rất khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục thiếu đơn hàng, người lao động tiếp tục khó khăn trong chi tiêu, trong đó có chi phí cho con đến trường trong năm học mới. Do đó, bà Trân đề xuất cần xem xét có thêm những chương trình hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh ở các cấp học trong năm học 2023-2024 là con của công nhân lao động khó khăn, bị mất việc làm.

“Đây là hỗ trợ thiết thực cho người lao động hiện nay, trước tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài nên việc bỏ học của con công nhân sẽ là không tránh khỏi trong thời gian tới, chúng ta phải sớm nhìn thấy điều này để có đánh giá xác đáng và quan tâm đúng mức- đại biểu nói.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuc-dang-kiem-xe-co-gioi-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-van-tai-va-nguoi-dan-256709.html