Thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi đang gây lãng phí?

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ quy định hợp quy vì vừa không cần thiết lại gây lãng phí.

 Các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ quy định hợp quy vì vừa không cần thiết lại gây lãng phí. Ảnh: DBC.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ quy định hợp quy vì vừa không cần thiết lại gây lãng phí. Ảnh: DBC.

Ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam cho rằng, hiện đã có nhiều quy định đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Khi đăng ký lưu hành, sản phẩm TĂCN đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định của Bộ NN-PTNT. Bên cạnh đó, tất cả TĂCN sản xuất trong nước đều được sản xuất tại nhà máy đủ điều kiện sản xuất TĂCN do Cục Chăn nuôi cấp và đánh giá giám sát định kỳ.

Đối với TĂCN nhập khẩu, phải có GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO. Khi nhập về phải kiểm tra chất lượng thông quan. Ngoài ra, sản phẩm bảo quản trong kho cũng như lưu hành trên thị trường các cơ quan chuyên ngành như: Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương, Sở NN-PTNT, Chi cục quản lý thị trường, thanh tra liên ngành… thường xuyên thực hiện kiểm soát chất lượng.

Do đó, việc các doanh nghiệp TĂCN phải làm thêm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã làm đầy đủ hàng loạt các thủ tục trên là không cần thiết và gây lãng phí, làm đội giá thành sản phẩm và không ai khác chính bà con nông dân phải gánh khoản chi phí vô lí này.

Theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam, thế giới không có hợp quy TĂCN. Còn đối với công bố hợp quy an toàn thực phẩm, hiện Bộ Y tế cũng đã bãi bỏ. Vì vậy, việc xem xét bãi bỏ thủ tục hợp quy TĂCN và thức ăn bổ sung, giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính phủ là rất cần thiết bởi thủ tục này đang gây lãng phí cho cả phía doanh nghiệp người dân, lại gây phức tạp trong quá trình quản lý của nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ KHCN và Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh TĂCN, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam phải công bố hợp quy đối với TĂCN thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.

Với tư cách là Chủ tịch một hiệp hội ngành hàng, ông Nguyễn Thanh Sơn đồng tình với quan điểm và đề xuất của các doanh nghiệp, bởi việc phải thực hiện quy định về công bố hợp quy đối với TĂCN là không cần thiết, bởi vì để kiểm soát chất lượng TĂCN đã có các quy định khác, chẳng hạn khi đăng ký lưu hành, sản phẩm TĂCN đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định của Bộ NN-PTNT.

Thứ hai, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, việc thực hiện công bố hợp quy gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác, thay trục lô… Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành sản phẩm TĂCN trước bối cảnh bệnh dịch hoành hành, ngành chăn nuôi đang đối mặt nhiều khó khăn.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Y tế cũng không quy định phải công bố hợp quy đối với ngay cả sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm chức năng, dinh dưỡng y học… và các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm như bánh, kẹo, mỳ ăn liền… Trên thế giới cũng không có quy định về hợp quy đối với TĂCN.

Thủ tục hợp quy được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi đội lên, trong khi đó người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm đang gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Nguyên Huân.

“Tinh thần Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là: Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách,...; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành nhằm tạo nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô… Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các bộ và cơ quan ban ngành nghiên cứu, xem xét bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy TĂCN và TĂCN bổ sung, giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ”, ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam, một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trong nước cho rằng, đa phần các doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc các quy định của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi chất lượng tạo nên thương hiệu. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp mà không có chất lượng không thể tồn tại được.

Vì vậy, việc thêm thủ tục hợp quy theo ông Nguyễn Như So chỉ làm tốn thời gian, công sức và chi phí của doanh nghiệp mà không làm cho chất lượng sản phẩm tăng lên. Chất lượng sản phẩm không phụ thuộc vào cái tem nhãn hợp quy đó nên ông kiến nghị Bộ NN-PTNT bãi bỏ thủ tục hợp quy TĂCN sớm ngày nào tốt ngày đó để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với chủ trương của Nhà nước về việc cắt giảm thủ tục, chi phí hành chính, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung chia sẻ, làm việc nhiều với cơ quan Hải quan họ bảo không hiểu ngành nông nghiệp quy định nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thế nào mà mất nhiều thời gian thế, suốt ngày nợ hồ sơ nhập khẩu, trong khi bên Y tế toàn thực phẩm cho người cũng không quy định khắt khe đến vậy. Nhà sản xuất đối tác không hiểu tại sao Việt Nam quy định hợp quy để làm gì, trong khi đó họ có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO và CFS. Từ đó, doanh nghiệp này cho rằng, khi khâu sản xuất đã có những điều kiện tiêu chuẩn quốc tế Nhà nước nên đi vào hậu kiểm.

Nguyên Huân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thu-tuc-hop-quy-thuc-an-chan-nuoi-dang-gay-lang-phi-d291076.html