Thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn gây khó cho các doanh nghiệp

Nhiều vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung chủ yếu vào các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành đã được các doanh nghiệp (DN) phản ánh tại hội thảo 'Tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - DN trong công tác cải cách hiện đại hóa hải quan năm 2018', tổ chức chiều ngày 9/11.

Một DN tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, dù đã có nhiều thay đổi tích cực trong công tác thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) trong giai đoạn 2015-2018. Song tới nay vẫn còn một số bất cập gây phiền hà cho DN.

Cụ thể, có những thủ tục đã bị xóa bỏ nhưng lại bị áp dụng lại với thời gian kéo dài hơn, quy trình phức tạp hơn. Điển hình như cách sử dụng câu chữ trong danh mục các sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành khiến cho danh mục này bị mở rộng thêm. Nếu như trước đây chỉ có mặt hàng dây điện bọc nhựa phải kiểm tra nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng dây cáp điện đều phải kiểm tra. Hay việc đưa một sản phẩm công nghệ cao như máy tính xách tay vào danh mục nhóm 2 (nhóm các mặt hàng có nguy cơ cao) phải kiểm tra chuyên ngành cũng là một ví dụ về sự bất cập trong các quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Kiểm tra chuyên ngành vẫn gây khó cho DN. Ảnh minh họa

Đại diện cho cộng đồng DN logistics, ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Logictis Việt Nam (VLA) - cho biết, vẫn còn tồn tại một số bất cập làm giảm hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng logistics. Cụ thể, hiện lô hàng nhập khẩu vẫn phải kiểm tra chuyên ngành 100%. Trong khi DN chỉ nhập khẩu một mặt hàng nguyên vật liệu từ một nhà cung cấp trong suốt một thời gian dài và không phát hiện vi phạm. Điều này gây rủi ro khá lớn cho các DN và đi ngược lại tinh thần của các cam kết FTA.

“Các cơ quan quản lý nhà nước nên thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Tùy theo từng loại hàng hóa cụ thể để xác định xác xuất kiểm tra, phân luồng kiểm tra hoặc miễn kiểm, tránh tính trạng kiểm tra lặp đi, lặp lại nhiều lần. Cùng với đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích các DN thực hiện tốt các quy định, phạt nặng các DN vi phạm hoặc tái phạm, áp dụng chế độ DN ưu tiên đối với kiểm tra chuyên ngành, ông Thành nêu ý kiến.

Bên cạnh vướng mắc trên, theo các DN ngành logistics, việc kiểm tra chuyên ngành theo phương pháp hậu kiểm dù đã có chủ trương và sự tích cực của các cơ quan chức năng nhưng trên thực tế việc thực hiện vẫn dậm chân tại chỗ. Khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan Hải quan vẫn phải tìm lại hồ sơ, mất nhiều thời gian để nhập dữ liệu xác nhận thông quan gây ách tắc hàng hóa tại cảng cửa ngõ, làm xáo trộn kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Do vậy, DN kiến nghị phải thực hiện hiệu quả việc kiểm tra chuyên ngành theo phương pháp hậu kiểm. Đồng thời cần áp dụng chế đối với DN ưu tiên trong kiểm tra chuyên ngành.

Ông Trần Hữu Phước, đại diện Công ty dệt Trần Hiệp Thành- cho rằng, cơ quan Hải quan cần thúc đẩy nhanh việc áp dụng hậu kiểm đối với việc kiểm tra chất lượng hợp chuẩn, hợp quy để tạo thuận lợi hơn cho DN vì hiện nay DN đang phải không ít phiền toán trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra tính đồng bộ trong việc NK máy móc đã qua sử dụng…

Ghi nhận các ý kiến của DN, đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay việc kết nối các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên hệ thống Một cửa Quốc gia đã có những chuyển biến tích cực. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ thực hiện kết nối khoảng 120 thủ tục. Ngoài ra sẽ có cải cách lớn kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục nhóm 2 trong Nghị định về cơ chế Một cửa sẽ được ban hành trong năm 2018.

Ngọc Thùy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuc-kiem-tra-chuyen-nganh-van-gay-kho-cho-cac-doanh-nghiep-111533.html