'Thủ tục nào người dân, doanh nghiệp bức xúc phải xem xét làm trước'

Cắt giảm TTHC, ĐKKD phải thực chất, đi vào những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Những thủ tục nào người dân, doanh nghiệp đang bức xúc nhất thì phải xem xét làm trước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá có sự cải cách thủ tục hành chính (TTHC) rõ nét tại các địa phương, thu hút được nhiều nhà đầu tư với nhiều dự án lớn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 05 năm 2016-2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 05 năm 2016-2020.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Theo WB, cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành giúp Việt Nam tiết kiệm 4.000 tỷ đồng năm 2017, con số này năm 2018 là 6.300 tỷ đồng. Có thể khẳng định đây là những cải cách đi vào thực tế và tạo dư địa phát triển kinh tế của đất nước.

Cụ thể, tính từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh, đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 thủ tục hành chính được quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tiếp nhận 1.049 phản ánh, kiến nghị, trong đó đã xử lí 934 phản ánh, kiến nghị.

Tính đến cuối tháng 4/2019, có 19/23 bộ, cơ quan, 54/63 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.

Qua đó, 21 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, bản thân Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức 3 cuộc họp với các doanh nghiệp các ngành: Thủy sản, nông nghiệp, chế biến và công nghiệp nhẹ để tiếp nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, 69 vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp đã được tiếp nhận, đã kiến nghị giải quyết 54 vấn đề (15 vấn đề chưa đủ cơ sở xử lý), trong đó, 23 vấn đề đã được giải quyết. Những vấn đề còn lại đã được các bộ tiếp thu và cam kết hoàn thành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

"Thủ tục nào gây bức xúc phải cắt"

Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 05 năm 2016-2020, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hưởng ứng chủ đề của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và xóa bỏ những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm TTHC, ĐKKD phải thực chất và theo hướng Chính phủ kiến tạo, minh bạch. Việc này cần đi vào những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Những thủ tục nào, dịch vụ công nào người dân, doanh nghiệp đang bức xúc nhất thì phải xem xét làm trước”, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, điểm qua những chỉ số được các tổ chức, các định chế tài chính quốc tế đánh giá cao, Bộ trưởng Dũng nhận định: “Chúng ta cải cách một thì các nước cải cách mười. Vì thế ngoài nâng hệ số điểm thì phải nâng được xếp hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng mục tiêu “quản lý nhà nước” vẫn phải đảm bảo nhưng không lấy lý do này tạo ra rào cản phát triển, giảm sự tham gia thị trường, tăng chi phí của doanh nghiệp.

“Việc phân cấp cho địa phương cũng phải thực hiện theo phương châm Chính phủ phục vụ, sớm công bố các bộ thủ tục và tiến tới số hóa, công khai”, Bộ trưởng Dũng yêu cầu và lưu ý cải cách TTHC là dư địa cho tăng trưởng và là điều kiện tốt cho phát triển bền vững.

Thy Hằng

Bạn đang đọc bài viết "Thủ tục nào người dân, doanh nghiệp bức xúc phải xem xét làm trước" tại chuyên mục Thời sự của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thu-tuc-nao-nguoi-dan-doanh-nghiep-buc-xuc-phai-xem-xet-lam-truoc-150297.html