Thủ tục nhập khẩu, thuê và thanh lý máy móc, thiết bị cũ

Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã chủ động tháo gỡ vướng mắc cho nhiều DN gặp khó khăn khi làm thủ tục hải quan đối với số máy móc, thiết bị từ đối tác hoặc công ty mẹ...

Công chức Hải quan Hà Nam hướng dẫn DN làm thủ tục. Ảnh: H.NỤ

Công chức Hải quan Hà Nam hướng dẫn DN làm thủ tục. Ảnh: H.NỤ

Một DN chế xuất có hoạt động tại địa bàn tỉnh Hà Nam mong muốn được cơ quan Hải quan tư vấn về thủ tục NK máy móc cũ vào Việt Nam. Theo DN, hiện nay việc phải xin chứng thư giám định đồng bộ theo quy định, nhưng do vấn đề phải tháo dỡ để dễ dàng vận chuyển trong container nên DN gặp khó khăn khi giải trình với cơ quan Hải quan. Đồng thời, việc NK máy cũ (và hệ thống máy móc dây chuyền) phải có chứng thư giám định thì mới được NK. Để thuận lợi cho hoạt động sản xuất, DN mong muốn được hướng dẫn về việc phân biệt máy mới, máy cũ, máy cũ đã qua sử dụng và việc xác định khi nào các bộ máy và hệ thống máy móc, dây chuyền phải làm đồng bộ, những lưu ý khi làm thủ tục mở tờ khai NK bộ máy và hệ thống máy móc, dây chuyền đồng bộ?

- Về việc này, theo Cục Hải quan Hà Nam Ninh, việc NK máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019. Trường hợp DN NK máy móc thiết bị là dây chuyền đồng bộ, tổ hợp máy và vận chuyển ở dạng tháo rơìthì trước khi NK lô hàng đầu tiên, DN đăng ký danh mục Danh mục máy móc, thiết bị đồng bộ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 14/2015/TT-BTC tại chi cục hải quan nơi làm thủ tục. Chi cục Hải quan Hà Nam tiếp nhận, theo dõi, trừ lùi khi DN nhập khẩu hàng hóa từng lần.

Bên cạnh đó, khi thực hiện NK lô hàng đầu tiên, DN nộp kèm hồ sơ hải quan chứng thư giám định của tổ chức giám định nước ngoài xác nhận dây chuyền đáp ứng điều kiện NK quy định tại Điều 5 Quyết định 18. Theo đó, quy định cụ thể: “1. Được sản xuất theo tiêu chuẩn: a) Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; b) Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến dây chuyền công nghệ nhập khẩu, thì dây chuyền công nghệ phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. 2. Công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế. 3. Mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế. 4. Công nghệ của dây chuyền công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. 5. Công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 03 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD) (Hàn Quốc là thành viên)”.

Chi cục hải quan nơi làm thủ tục sẽ căn cứ chứng thư giám định, hồ sơ tài liệu để thông quan cho từng lần NK. Kết thúc NK lô hàng cuối cùng theo danh mục, cơ quan Hải quan xác nhận hết lượng hàng NK trong phiếu theo dõi trừ lùi, giao DN 1 bản sao lưu; thực hiện kiểm tra hàng hóa đã thông quan.

Khi DN NK máy móc thiết bị đơn lẻ đã qua sử dụng thì trước khi NK lô hàng đầu tiên, DN đăng ký Danh mục các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị theo quy định tại Điều 8 Thông tư 14/2015/TT-BTC tại chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan. Sau đó, cơ quan Hải quan sẽ tiếp nhận, theo dõi, trừ lùi khi DN nhập khẩu hàng hóa từng lần.

Ngoài ra, khi thực hiện NK lô hàng đầu tiên, DN nộp kèm hồ sơ hải quan chứng thư giám định của tổ chức giám định nước ngoài xác nhận máy móc thiết bị đáp ứng điều kiện nhập khẩu quy định tại Điều 6 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg. Cơ quan Hải quan căn cứ chứng thư giám định, hồ sơ tài liệu để thông quan cho từng lần NK, kết thúc NK lô hàng cuối cùng theo danh mục, cơ quan Hải quanxác nhận hết lượng hàng NK trong Phiếu theo dõi trừ lùi, giao DN 1 bản sao lưu và thực hiện kiểm tra hàng hóa đã thông quan.

DN chế xuất muốn thanh lý máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ, việc này là được phép có đúng hay không, thanh lý nội địa và thanh lý ra nước ngoài thì loại hình tờ khai và thủ tục tương ứng là như thế nào?

- Liên quan đến vấn đề DN hỏi, theo Cục Hải quan Hà Nam Ninh, đối với máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, nguyên liệu vật tư, hàng hóa NK khác thuộc sở hữu của DN được phép thanh lý theo các hình thức: XK, bán, biếu, tặng, tiêu hủy tại Việt Nam, đề nghị DN mở tờ khai XK theo loại hình B11.

Trường hợp bán, biếu, tặng vào thị trường nội địa, DN được lựa chọn hình thức chuyển đổi mục đích sử dụng, đăng ký tờ khai hải quan mới (loại hình A42). Theo đó, căn cứ tính thuế là trị giá tính thuế, thuế suất và tỷ giá tại thời điểm đăng ký tờ khai chuyển mục đích sử dụng. Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng thì việc bán, biếu, tặng hàng hóa này tại thị trường Việt Nam thực hiện không phải làm thủ tục hải quan.

Trường hợp DN chế xuất lựa chọn hình thức thực hiện thủ tục XNK tại chỗ (A42); thì DN nội địa thực hiện thủ tục NK tại chỗ (A12), nộp các loại thuế theo quy định. Tại thời điểm thực hiện thủ tục XNK tại chỗ không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa XNK trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi NK ban đầu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép NK đồng ý bằng văn bản.

Riêng đối với công cụ dụng cụ, đề nghị DN lưu ý xác định thế nào là công cụ, dụng cụ và phân biệt giữa công cụ, dụng cụ với nguyên liệu, vật liệu.

Theo đó, Điều 26 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định, công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không đủ tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định xếp vào tài sản cố định, được hạch toán vào TK 153. Theo quy định hiện hành, những tư liệu lao động có giá trị < 30.000.000 đồng, thời gian sử dụng ≤ 1 năm được xếp vào công cụ dụng cụ. Công cụ dụng cụ không trực tiếp tham gia cấu thành nên sản phẩm trong quá trình sản xuất. Kế toán DN xác định được công cụ dung cụ (TK 153) và nguyên vật liệu (TK 152)

Nguyên vật liệu là đối tượng lao động do DN được giao, tự mua để phục vụ quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. Nguyên vật liệu sẽ thay đổi về hình thái, không giữ nguyên được trạng thái ban đầu khi đưa vào sản xuất. Nguyên vật liệu tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm, giá trị của nguyên vật liệu được chuyển trực tiếp vào sản phẩm.

Có những hàng hóa NK tùy thuộc vào mục đích sử dụng được xác định là công cụ dụng cụ hoặc nguyên vật liệu. Ví dụ: hóa chất NK nếu chỉ để sử dụng để mài máy, mài kim máy may để sản xuất sản phẩm may mặc, không tham gia cấu thành trực tiếp vào sản phẩm thì được xem là công cụ, dụng cụ. Nhưng nếu hóa chất được sử dụng để làm keo dán giầy, dép, tham gia cấu thành trực tiếp vào sản phẩm thì được xem là nguyên vật liệu. Việc xác định công cụ, dung cụ hay nguyên vật liệu do bộ phận kế toán thực hiện.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thu-tuc-nhap-khau-thue-va-thanh-ly-may-moc-thiet-bi-cu-128008.html