Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ tới biên giới Trung Quốc

Ngày 3-7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với Tham mưu trưởng quốc phòng Bipin Rawat và Tư lệnh Lục quân MN Naravane bất ngờ tới thăm và động viên các binh sĩ tại khu vực Ladakh - nơi xảy ra vụ đụng độ chết người với Trung Quốc hồi tháng trước. Động thái này khiến Trung Quốc lên tiếng đe dọa.

Ngày 3-7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với Tham mưu trưởng quốc phòng Bipin Rawat và Tư lệnh Lục quân MN Naravane bất ngờ tới thăm và động viên các binh sĩ tại khu vực Ladakh - nơi xảy ra vụ đụng độ chết người với Trung Quốc hồi tháng trước. Động thái này khiến Trung Quốc lên tiếng đe dọa.

Thủ tướng Narendra Modi (hàng đầu, bên trái) đến thăm các binh sĩ tại một căn cứ ở Nimu. Ảnh: PTI

Thủ tướng Narendra Modi (hàng đầu, bên trái) đến thăm các binh sĩ tại một căn cứ ở Nimu. Ảnh: PTI

Truyền thông Ấn Độ cho biết, ông Modi đã gặp mặt các binh sĩ tại một căn cứ ở Nimu, vị trí tiền đồn trên độ cao hơn 3.350m bên bờ sông Indus, cách không xa địa điểm xảy ra vụ đụng độ với Trung Quốc hôm 15-6. Thủ tướng Modi cũng có cuộc nói chuyện với các binh sĩ tại Thiksey gần Leh và tới thăm bệnh viện tại Nimu, nơi các binh sĩ bị thương trong vụ đụng độ đang điều trị. “Trong những tình huống như thế này, các bạn chính là những tấm khiên bảo vệ tổ quốc. Kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng phải chấm dứt”, ông Modi nhấn mạnh trong bài phát biểu ngoài trời dài gần nửa tiếng trước các binh sĩ. “Ấn Độ theo đuổi hòa bình nhưng đồng thời hiểu rằng những người yếu kém thì không bao giờ khởi xướng được hòa bình. Dũng cảm và gan dạ là điều kiện tiên quyết để có được hòa bình”, thủ tướng Ấn Độ lập luận.

Quyết định này được Thủ tướng Modi bất ngờ đưa ra vào đêm 2-7. Giới chức Ấn Độ cho biết chuyến thăm của ông Modi được xem như một thông điệp bày tỏ sự ủng hộ và khích lệ tinh thần lớn đối với các lực lượng vũ trang Ấn Độ, diễn ra 2 tuần sau vụ đụng độ bạo lực ở thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây cũng là một tín hiệu mạnh gửi tới Trung Quốc, cho thấy Chính phủ Ấn Độ nhìn nhận cuộc đối đầu với quân đội Trung Quốc nghiêm túc thế nào.

Trung Quốc lên tiếng dọa dẫm

Ngay sau chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Ấn Độ, Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố mang tính đe dọa.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 3-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cảnh báo Bắc Kinh sẽ có các biện pháp trả đũa trước việc Ấn Độ gây khó dễ cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì những căng thẳng ở biên giới hai nước. Ông Triệu lập luận những “rào cản” mà Ấn Độ dựng lên trong quan hệ song phương chỉ gây tổn hại lợi ích của chính nước này và kêu gọi New Delhi không leo thang căng thẳng trong lúc hai bên đang tiến hành các cuộc đàm phán. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa sẽ có các biện pháp trả đũa để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nước này tại Ấn Độ.

Căng thẳng thêm leo thang

Cuộc đụng độ khiến hàng chục binh sĩ thương vong ở thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh đã đẩy quan hệ giữa hai quốc gia hạt nhân Trung Quốc và Ấn Độ xuống dốc. Hiện căng thẳng giữa 2 nước đã lan sang nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả kinh tế. Làn sóng tẩy chay hàng tiêu dùng và các ứng dụng Trung Quốc diễn ra rầm rộ ở Ấn Độ sau sự cố ngày 15-6.

Sau vụ ẩu đả, ông Modi đã thể hiện thái độ cứng rắn, khi tuyên bố “nếu bị khiêu khích, Ấn Độ có thể đáp trả thích đáng”. Theo các chỉ huy quân sự Ấn Độ, PLA tiếp tục đánh dấu lãnh thổ tại tất cả các điểm đối đầu bằng việc triển khai lực lượng, trong khi bề ngoài tỏ ra đang cắt giảm lực lượng ở hậu tuyến với việc rút một vài phương tiện và một số binh lính. PLA triển khai lượng lớn binh sĩ tại thung lũng sông Galwan và củng cố vị trí tại hồ Pangong bằng việc nâng cấp hàng loạt cơ sở hạ tầng.

Trước đó, trong cuộc họp báo tối 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava thông báo, New Delhi đã kêu gọi Bắc kinh đảm bảo việc nhanh chóng khôi phục hòa bình và yên tĩnh ở các khu vực biên giới, phù hợp với những điều khoản của các thỏa thuận song phương liên quan.

Đề cập lệnh cấm 59 ứng dụng di động liên quan tới Trung Quốc, người phát ngôn trên tuyên bố, Ấn Độ sẽ tiếp tục hoan nghênh các hoạt động đầu tư nước ngoài, kể cả trong lĩnh vực công nghệ Internet, nhưng các công ty hoạt động ở Ấn Độ sẽ phải tuân thủ các quy tắc và khuôn khổ pháp lý, trong đó bao gồm cả các quy định liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân.

Khi được hỏi về cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn hôm 30-6, ông Srivastava cho hay, cuộc đàm phán mới nhất này đã thể hiện cam kết của hai bên trong việc giảm thiểu căng thẳng dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ở cả cấp quân sự và ngoại giao, kể cả trong khuôn khổ Cơ chế làm việc về tham vấn và phối hợp (WMCC), trong tương lai để giải quyết thỏa đáng các vấn đề.

AN BÌNH

Trung Quốc: Đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả cứu vùng hạ lưu

Ngày 3-7, Trung Quốc đã phát đi thông báo về trận lũ số 1 trên sông Trường Giang khi lượng nước đổ vào hồ chứa đập Tam Hiệp đã tăng thêm 3.000 m3/giây trong vòng 2 tiếng.

Mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp đã lên tới 146,97m. Đập Tam Hiệp cũng đã xả nước ở mức 35.500 m3 mỗi giây. Trong bối cảnh đó, dập Tam Hiệp đã mở 3 cửa xả lũ để giảm bớt tác động của lũ lụt tới vùng hạ lưu sông. Theo Tân Hoa Xã, hôm 2-7, cơ quan quản lý đập Tam Hiệp xác nhận, đập Tam Hiệp đã chứng kiến đợt lũ đầu tiên trong năm của sông Dương Tử và trong trạng thái sẵn sàng để giảm thiểu tác động của lũ lụt tới vùng hạ lưu sông.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_227440_.aspx