Thủ tướng: Bảo hộ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh như thương hiệu quốc gia Việt Nam

'Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt'.

Tinh thần chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển dược liệu Việt Nam đã tiếp tục được thể hiện tại hội nghị phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác đã diễn ra tại tỉnh Kon Tum sáng 6/9.

Quảng Nam, Kon Tum là hai địa phương được coi là “thủ phủ” của loài biệt dược đặc hữu này. Hội nghị là bước khởi động mang tính cột mốc để đưa loài cây “đẻ trứng vàng” sâm Ngọc Linh – quốc bảo của Việt Nam phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Sáng 6/9/2018, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Top 4 loài sâm tốt nhất trên thế giới

Sâm Ngọc Linh là loài sâm được xếp là top 4 loài sâm tốt nhất trên thế giới. Điểm quan trọng làm nên giá trị cao của sâm Ngọc Linh là trong thành phần có tới 52 loại saponin khác nhau; trong đó, ngoài 26 loại có cấu trúc hóa học thường thấy trong các loại sâm khác như sâm Hàn Quốc, sâm Nhật Bản, sâm Tây Dương, còn có 26 loại saponin có cấu trúc mới, riêng có ở sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh cũng như hầu hết những dược liệu có giá trị kinh tế cao đều là những lâm sản ngoài gỗ, phát triển dưới tán rừng. Với cây Sâm Ngọc Linh, theo ước tính với chi phí ban đầu bỏ ra 3 tỷ/ha, sau 5 năm có thể thu về 30 tỷ đồng. Là một con số trong mơ với bà con vùng rừng.

Nhiều địa phương đang muốn di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng. Tuy nhiên, đây là loài cây đặc hữu, mọc ở những nơi cố định (chỉ phát triển dưới tán rừng già quanh chân núi Ngọc Linh) và đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng, kế đến là độ che phủ, điều kiện khí hậu. Vì thế, sâm Ngọc Linh được trồng ở độ cao 1.200 - 2.000m nhưng nếu đem sâm ở Kon Tum đến trồng ở những nơi khác có cùng độ cao thì không phát triển được.

Hiện tỉnh Kon Tum đã có 9 xã được cấp chứng nhận CDĐL (chỉ dẫn địa lý) về sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei với diện tích khoảng 400 ha. Địa phương này cũng chỉ có 2 đơn vị có sâm giống Ngọc Linh (Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum) nhưng cả 2 đều chưa bán giống ra thị trường. Vì thế, bên ngoài có bán giống sâm Ngọc Linh thì gần như 90% là giả.

Còn ở Quảng Nam, nhận thức được sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác là hướng đi chủ lực để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của bà con miền núi nên Quảng Nam đã có đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh đến 2020 và trình Chính phủ đề án bảo tồn cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và đã được Chính phủ thông qua.

Tinh hoa trời đất đã ban tặng

Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cần tìm kiếm dư địa phát triển cho nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là từ nguồn cây dược liệu. Từ đó, không chỉ phục vụ tăng trưởng mà còn giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhận xét sau hội nghị toàn quốc về dược liệu tháng 4/2017, đã có nhiều sự chuyển động mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng cho một quốc gia có 3/4 diện tích rừng núi, nơi đã sinh ra những bậc danh y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, vừa là trách nhiệm lịch sử đồng thời cũng chính là sự khẳng định bản sắc và tinh thần dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu hóa; trong đó có ngành dược liệu Việt Nam giàu truyền thống, đậm chất di sản và nghìn năm lịch sử.

Thủ tướng khẳng định, 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có thể phát triển dược liệu với nhiều loại cây, con, sinh vật biển, khoáng sản không chỉ chữa bệnh mà còn có thể làm giàu.

“Đó là niềm tự hào của dân tộc chúng ta khi từ những tinh hoa của đất mẹ, chúng ta có thể làm ra những sản phẩm phục vụ cho sức khỏe con người, được sự tin dùng của quốc tế bởi những giá trị độc đáo, hứa hẹn đem đến cho chúng ta lợi thế cạnh tranh về chất lượng so sánh với những nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Nhắc đến tiềm năng của mảnh đất Kon Tum không chỉ giàu có về bản sắc văn hóa mà rất giàu về nguồn cây dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh, Thủ tướng cho rằng, đó là món quà núi rừng linh thiêng đã ban tặng cho con người.

“Nếu nói sức khỏe là vàng thì Sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng vì ngoài những giá trị về sức khỏe, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn”, Thủ tướng chỉ rõ.

Mục tiêu tỷ đô-la

Sáng 6/9/2018, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thủ tướng bày tỏ niềm tin tưởng Kon Tum có thể đưa quốc bảo sâm Ngọc Linh trở thành “quốc kế dân sinh” trên các khía cạnh: Bảo tồn giữ gìn sự quý hiếm; nhiều sản phẩm chế phẩm từ sâm Ngọc Linh; giải quyết nhiều việc làm, thu ngân sách cho các tỉnh sản xuất, tiêu thụ sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng cho rằng, nếu kết hợp sâm Ngọc Linh với đẳng sâm cùng với các siêu dược liệu ở các vùng, miền khác thì hoàn toàn có thể tạo ra một ngành dược liệu hết sức phong phú, đủ quy mô để cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Đi đôi với đó là làm tốt khâu bào chế, phát triển sản phẩm một cách thông minh và phù hợp với xu thế tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước tiên tiến.

Đưa ra bài toán, làm sao cộng hưởng những tinh hoa trời đất ban tặng này nhằm đưa ngành dược liệu và thực phẩm chức năng của Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu, Thủ tướng đặt ra mục tiêu tỷ đô-la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới và cho rằng, điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao.

Để đạt mục tiêu tầm nhìn này, theo Thủ tướng, cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Kon Tum, Quảng Nam hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt ra yêu cầu đối với cây Sâm Ngọc Linh là phải vừa “bảo tồn”, vừa phát triển; “bảo tồn” để “phát triển” có chiều sâu, đạt giá trị cao hơn. Ở giai đoạn đầu cần định dạng chiến lược sản phẩm theo hướng phát huy các giá trị vượt trội và tính chất khác biệt của Sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự.

Thủ tướng yêu cầu cần hướng mục tiêu phát triển cây Sâm Ngọc Linh đến những giá trị cao hơn, không chỉ là về mặt kinh tế mà còn đối với nền y học, góp phần cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần, ưu tiên trước hết cho gần 100 triệu người Việt Nam.

Khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu Sâm Ngọc Linh đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, từng bước đưa sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thấp đến cao trong phạm vi toàn cầu, mở rộng ra dạng thực phẩm, thức uống hàng ngày.

* Xây dựng “Thánh địa Sâm Ngọc Linh”

“Phổ biến hóa nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của Sâm Ngọc Linh. Thay vào đó cần định vị Sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp”, Thủ tướng lưu ý và đề nghị bảo vệ tốt nguồn gene thuần chủng của Sâm Ngọc Linh, đảm bảo không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loài sâm hay dược liệu khác. Cùng với đó là xây dựng “Thánh địa Sâm Ngọc Linh”; làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý cho sâm nhằm bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của Sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử của Sâm Ngọc Linh làm tăng giá trị đáng kể cho sâm. Cùng với đó là bảo hộ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh bởi đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Đi liền với đó là tận dụng các điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nuôi trồng, chế biến phát triển sản phẩm, đồng thời truyền thông mạnh mẽ các giá trị độc đáo của Sâm Ngọc Linh; coi đây là bước đột phá cho sự phát triển của ngành dược liệu và thực phẩm chức năng; đem lại cho Việt Nam khả năng đối trọng với các cường quốc tiên tiến trên thế giới về loại hình sản phẩm này.

Tán thành việc khuyến khích mở rộng có kiểm soát việc trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh, song Thủ tướng lưu ý “mở rộng không có nghĩa là đại trà, phải đảm bảo chất lượng sâm, hàm lượng saponin cũng như các hoạt chất có trong sâm” để mỗi sản phẩm nhân sâm phải là một sản phẩm chất lượng cao, được chế biến từ những củ sâm chất lượng tốt nhất, tinh túy nhất.

“Nếu mở rộng tới mức suy giảm hàm lượng thì cũng phải thông tin rất rõ ràng, chính xác để khách hàng lựa chọn, đồng thời không để vàng thau, thật giả lẫn lộn”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm tất cả các mặt hàng nhái, hàng giả sản phẩm sâm Ngọc Linh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và thương hiệu biệt dược quý hiếm này.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển Sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm, phát triển ngành công nghiệp sâm. Đặc biệt, cần khuyến khích nhà đầu tư có vốn và công nghệ tham gia hợp tác với nông dân để cùng phát triển sản xuất.

“Vốn và công nghệ là quan trọng, nhưng đối với Sâm Ngọc Linh thì đất và rừng là hai yếu tố không thể thay thế”, Thủ tướng khẳng định./.

Theo vnanet.vn

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thu-tuong-bao-ho-gia-tri-thuong-hieu-sam-ngoc-linh-nhu-thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam/95489.html