Thủ tướng cảnh báo: Không đảm bảo cấp điện thì sẽ mất chức

'Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện, không đảm bảo cấp điện thì sẽ mất chức, chứ không phải bình thường', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội - Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội - Ảnh: VGP

LNG Bạc Liêu không trái quy định

Đối với dự án điện Bạc Liêu, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã có cuộc họp với các cấp ngành và thống nhất việc để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy định.

“Trước đây, đã có quy hoạch xây dựng nhà máy điện than 1.200MW, nay xây dựng điện khí sẽ bổ sung ngay để tỉnh triển khai và yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện, không được để chậm trễ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Quốc hội đã liên tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu. Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã 2 lần báo cáo Thủ tướng để bổ sung quy hoạch dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu.

Chính phủ sẽ xem xét sau khi có tổng hợp theo hướng dẫn của Thường vụ Quốc hội về luật pháp và sẽ xem xét bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, hiện nay, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương đã hoàn tất báo cáo bổ sung cuối cùng về tất cả khía cạnh liên quan đến 3 trung tâm điện lực và đang đợi Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến.

“Ngay sau khi có ý kiến bổ sung thì Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện dự án. Thời điểm để tổ chức thực hiện thì tôi không thể nói được là thời điểm nào. Tôi hy vọng sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020”, ông Tuấn Anh nói.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu, riêng cụm khí Bạc Liêu, nhà đầu tư đề nghị đầu tư với tổng công suất của cụm điện khí Bạc Liêu là 3.200MW. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch và yêu cầu Bộ Công thương phải tính toán tổng thể, đảm bảo cơ cấu nguồn hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí trong giai đoạn đến năm 2030.

“Bộ Công thương đã tích cực thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã họp nhiều lần về vấn đề này. Tuy nhiên đến nay Bộ Công Thương mới trình bổ sung trên 800MW trong tổng thể 3.200MW của cụm và nếu như vậy thì rất khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể, đặc biệt là cảng và kho khí” - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo Phó thủ tướng, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía nam để bù đắp lại những phần thiếu hụt, giảm việc vận tải điện từ Bắc vào Nam.

Không được để nước tới chân mới nhảy

Ngoài ra, tại phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Việt Nam đã giảm được tỷ số tiêu thụ điện năng tính trên GDP. Trước đây, một điểm tăng trưởng GDP cần tới 2 điểm điện năng, giờ giảm xuống còn 1,6-1,7 điểm điện năng. Từ đây, Thủ tướng cho rằng cần phải tính tới mức độ tăng trưởng để phát triển điện đảm bảo cơ cấu nguồn điện một cách phù hợp.

“Hiện nay, điện không phải chỉ là để phát triển kinh tế mà năng lượng còn quyết định đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện, không đảm bảo cấp điện thì sẽ mất chức chứ không phải bình thường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện có Ban Chỉ đạo quốc gia về năng lượng với đầy đủ các cấp, các ngành tham gia. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm phó trưởng ban thường trực phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không được để nước đến chân mới nhảy, không được công bố tình trạng thiếu điện. Phải xây dựng cho được một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập”.

Trong khi đó, trả lời chất vấn trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết năm 2019, dự kiến điện năng sản xuất sẽ đạt khoảng 240 tỉ KW/giờ và tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ thì nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là rất dễ xảy ra.

Khó khăn thứ nhất là cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh so với Quy hoạch điện 7. Thứ hai, là có rất nhiều những dự án chậm tiến độ cũng đã ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong này sơ bộ khoảng 60 dự án đang đầu tư thì có đến 35 dự án công suất từ 200MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa, với tổng công suất khoảng 39.000MW, từ đó đã dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.

Ngoài ra, nhu cầu đầu tư phát triển của nguồn điện và lưới điện rất lớn. Sơ bộ đánh giá từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 130 tỉ USD, bình quân khoảng 12 tỉ USD/năm, trong đó khoảng 9 tỉ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỉ USD đầu tư cho lưới điện. Như vậy, rất khó khăn để có thể huy động nguồn vốn đầu tư này. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay.

Bên cạnh đó, đầu tư nguồn điện còn mất cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. Khu vực phía nam tiêu dùng điện chiếm khoảng 50% của cả nước nhưng sản xuất thì chưa đầy 40%. Còn lại khu vực phía bắc và miền Trung tiêu thụ cũng khoảng 50% nhưng sản xuất 60%. Do đó, phải tiếp tục xây dựng đường dây tải điện Bắc - Nam mạch số 3 để chúng ta điều tiết điện vào khu vực phía Nam.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thu-tuong-canh-bao-khong-dam-bao-cap-dien-thi-se-mat-chuc-125241.html