Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên: Tăng cường hơn nữa liên kết vùng

Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 – 2017 do Bộ KHĐT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức sáng 11.3 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh Tây Nguyên và hơn 500 quan khách, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến dự.

Tây Nguyên hiện có 2 triệu hécta đất đỏ bazan được xếp vào loại tốt nhất thế giới, phù hợp với nhiều loại cây lương thực, cây công nghiệp… Với tiềm năng đó, Tây Nguyên phát triển thành vùng chuyên canh càphê, cao su, hồ tiêu, điều, sắn, lúa, ngô… Trong đó càphê, hồ tiêu đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và trên thị trường thế giới, caosu đã có bước tăng trưởng rất nhanh về diện tích kể từ năm 2008. Cùng đó, Tây Nguyên còn có hơn 3,3 triệu hécta đất lâm nghiệp, là tiềm năng phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2001 - 2016, Tây Nguyên huy động nguồn đầu tư rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, với tổng vốn đầu tư hơn 430 nghìn tỉ đồng.

Ông Điểu K’ré - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên – cho biết, để xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất ở mức trung bình của cả nước, các tỉnh trong vùng đang thực hiện 3 nhóm giải pháp chính. Đó là nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiêp; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm sản. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi đại gia súc, đây là định hướng trọng tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "mái nhà Đông Dương", nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trong thời gian qua, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, khiến Tây Nguyên chưa phát triển đúng tầm, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào đây. Để Tây Nguyên phát triển, trở thành vùng đất trù phú của cả nước, Thủ tướng cho rằng cần tập trung mọi nguồn lực, xã hội hóa công tác xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường hơn nữa liên kết vùng để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tập trung thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp theo chuỗi và quan tâm khai thác các giá trị gia tăng cho sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn, nhất là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với vai trò, quyền lợi của người dân… Nhưng Thủ tướng cũng lưu ý, trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường và cuộc sống của người dân, không đánh đổi bằng mọi giá.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017

Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 kết hợp với Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 -2017

Hội nghị lần này đã thu hút được hơn 29.000 tỷ đồng đầu tư vào 36 dự án thuộc các lĩnh vực thủy điện, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản… Nhiều chi nhánh ngân hàng tại Tây Nguyên như BIDV, Lienviet Post Bank, Agribank, Viettinbank cũng đã ký cam kết tài trợ tín dụng các dự án này.

Đặng Trung Kiên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/thu-tuong-chi-dao-tai-hoi-nghi-xuc-tien-dau-tu-tay-nguyen-tang-cuong-hon-nua-lien-ket-vung-645762.bld