Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, làm việc với một số cơ quan, đơn vị

Sáng 11-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ (VPCP). Cùng dự, có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Ðình Huệ, Trịnh Ðình Dũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đánh giá cao VPCP trong dịp nghỉ Tết vẫn thường xuyên báo cáo về tình hình trong nước và quốc tế, tham mưu Thủ tướng giải quyết các vấn đề của đất nước. Nhắc lại những thành tựu quan trọng của đất nước năm 2018, các chỉ tiêu đều hoàn thành, vượt mức cả về số lượng và chất lượng, Thủ tướng cho biết, niềm tin xã hội và thị trường nâng lên, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng cao. Trong thành công đó, có đóng góp quan trọng của VPCP, góp phần làm đẹp thêm “bức tranh màu sắc rực rỡ” về mọi mặt của đất nước. Thủ tướng đánh giá cao VPCP đã tham mưu cho Chính phủ xử lý hiệu quả công tác chăm lo Tết cho người dân, nhất là người nghèo, hộ gia đình chính sách, bảo đảm cho mọi người đón Tết đầm ấm, vui vẻ, an lành. Nêu rõ phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ của VPCP thực hiện tốt chủ trương này, tạo sự bứt phá, đổi mới phong cách làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm để nâng cao hiệu quả công tác; khắc phục các hạn chế mà Thủ tướng đã chỉ ra trong dịp tổng kết vừa qua.

Nhân dịp đầu Xuân mới, Thủ tướng đã trồng cây tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, gặp mặt cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam được các tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá cao về việc thực hiện an sinh xã hội, trong đó NHCSXH là kênh quan trọng thực hiện nhiệm vụ này. Năm 2018, NHCSXH đã hoàn thành toàn diện, vượt mức chỉ tiêu đề ra; trở thành “cánh tay nối dài” của Ðảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến người nghèo, các đối tượng chính sách. Mô hình hoạt động của NHCSXH được thực tế chứng minh là phù hợp điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta, không những về hiệu quả kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng vốn mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn. Vì thế, ngân hàng cần tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn tín dụng CSXH, đáp ứng kịp thời, cho người dân vay thuận lợi, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai, minh bạch. Ðồng thời, cần tham gia, góp phần giải quyết nạn “tín dụng đen”, giám sát thực hiện, củng cố chất lượng hoạt động để hệ thống đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới. Ðồng thời, các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, VPCP trình Thủ tướng giao vốn điều lệ, cấp vốn kịp thời để thực hiện các chương trình CSXH hằng năm.

Thủ tướng cũng lưu ý một số địa phương chưa hỗ trợ NHCSXH thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Do đó, chi nhánh NHCSXH cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở để địa phương quan tâm hơn đến vấn đề này. Các địa phương cũng cần quan tâm dành thêm vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, bởi đầu tư cho con người, cho người nghèo là quan trọng nhất.

Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm, làm việc tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao - Doveco (Ninh Bình), dự lễ xuất những chuyến hàng rau, quả đầu tiên của công ty sang Nhật Bản đầu Xuân mới; kiểm tra dây chuyền chế biến, sản xuất; thị sát cánh đồng trồng dứa và rau hữu cơ xuất khẩu của Doveco và thăm hỏi đời sống, việc làm của người lao động. Thủ tướng đánh giá Doveco là mẫu hình chuyển đổi thành công từ nông trường thuần túy sang công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng nhận định, cùng với kinh tế số, nông nghiệp thông minh hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép, trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước năm 2035 và một xã hội công bằng, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa, bền vững về môi trường sống ở nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc sự ổn định chính trị, kinh tế, là nền tảng quan trọng của xã hội, tác động đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Vì thế, định hướng chiến lược cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng và tương xứng với các nội dung chuẩn bị văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Với cương vị Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Ðại hội, Thủ tướng khẳng định, sẽ quan tâm và chỉ đạo xây dựng nội dung chi tiết về vấn đề này, coi đây là lĩnh vực không thể thiếu trong sự phát triển đất nước. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp, trong đó có Doveco phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cảm biến, rô-bốt tự động hóa, thiết bị bay không người lái; dữ liệu lớn, điện toán đám mây; công nghệ in 3D; công nghệ thông tin, in-tơ-nét vạn vật, sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ này để đưa vào phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, năng suất cao,...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan cần có chính sách để “cởi trói” và thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Những kết quả về nông nghiệp thời gian qua mới chỉ là khởi đầu, ngành nông nghiệp và tất cả các địa phương cả nước cần tập trung lãnh đạo, chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn, không chỉ bảo đảm tiêu dùng trong nước mà còn là một thị trường xuất khẩu lớn, đa dạng, đưa kim ngạch xuất khẩu không chỉ dừng ở mức hơn 40 tỷ USD như hiện nay,...

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39175502-thu-tuong-chinh-phu-gap-mat-lam-viec-voi-mot-so-co-quan-don-vi.html