Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Sáng 13/1, tại Hà Nội, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành NN&PTNT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư; Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm tham dự tại điểm cầu tỉnh An Giang.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh An Giang

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư tham gia ý kiến tại hội nghị

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã chia sẻ về thế mạnh của tỉnh An Giang là ngành hàng cá tra và lúa gạo. Cụ thể, ngành hàng cá tra có lợi thế cao nhất, với hiệu quả mang lại từ 2,5 – 2,8 tỷ đồng/ha. An Giang đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án giống cá tra 3 cấp, tạo điều kiện để ngành hàng cá tra sản xuất bền vững.

Hiện nay, An Giang đã tạo ra được 83% diện tích nuôi có sự liên kết với nhà máy chế biến. Điều đó tránh được tình trạng cung vượt quá cầu, hạn chế được hệ lụy về thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm phụ của chuỗi giá trị ngành hàng cá tra như: Dầu cá, collagen, bột cá… đều được khai thác và đưa vào sử dụng.

An Giang có 186.000 nông dân, trong đó 80% nông dân tham gia chuỗi sản xuất mặt ngành hàng lúa gạo. Tỉnh đang tập trung thực hiện việc tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập. Bên cạnh đó, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, hướng dẫn giảm chi phí trong canh tác lúa, tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp… Từ đó, giúp nông dân có thu nhập tăng từ 15 – 20% so với hiện tại. An Giang có 98% diện tích đất sản xuất lúa chủ động; phòng, chống thiên tai. Đây sẽ là tiền đề đi đến thống nhất tham gia Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, trong đó có cả vùng chuyên canh sản xuất lúa…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương thành tích của ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Chính phủ mong trong năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phát triển, bứt phá mạnh mẽ, bền vững hơn.

Gợi mở một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; phát triển vùng nguyên liệu phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng đến kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch.

Đồng thời, phối hợp ngân hàng đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…, nhằm mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp là tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước.

Năm 2023, mục tiêu đề ra của ngành nông nghiệp: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 78%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đạt 80%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02% nâng cao chất lượng rừng; thành lập mới 1.500 HTX nông nghiệp, cả nước có 22.500 HTX nông nghiệp, trong đó trên 65% xếp loại tốt, khá.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-tong-ket-nganh-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-a352939.html