Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Thúc đẩy tiêu dùng và xuất nhập khẩu, bảo đảm năng lượng

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 diễn ra sáng 3-2.

Ngày 3-2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023.

Tham dự và chủ trì hội nghị có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Tập trung thúc đẩy việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Công Thương có đa lĩnh vực, đa ngành, thể hiện quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề của Bộ với sự phát triển của đất nước. Bối cảnh phát triển mới của đất nước đặc biệt trong năm 2023 là vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn song khó khăn nhiều hơn.

Bối cảnh thế giới với sức ép lạm phát sẽ có tác động đến Việt Nam. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, gấp đôi GDP nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Các thị trường lớn của Việt Nam đều có giảm phát. Cùng đó là khủng hoảng năng lượng và các yếu tố của biến đổi khí hậu là khó tránh.

Nhấn mạnh áp lực lạm phát với chúng ta trong năm 2023 sẽ vẫn còn lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, qua việc ứng phó các thách thức của năm 2022, chúng ta đã trưởng thành lên, có thêm nhiều kinh nghiệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong những bối cảnh như trên, nhất là khi cả tổng cung và tổng cầu đều giảm thì rõ ràng cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng.

“Cuộc họp hôm nay rất quan trọng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nền kinh tế và người lao động”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh vấn đề cần tập trung thực hiện tới đây là thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu; cùng đó là bảo đảm các cân đối lớn cũng như vấn đề năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII.

Về quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nêu rõ, tiến độ quy hoạch là rất cần cần song chất lượng quy hoạch còn cần hơn để có lợi cho nước cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Thủ tướng cho biết, bản thân Thủ tướng cũng rất trăn trở khi chưa ra được quy hoạch này. Song Thủ tướng lưu ý cần bình tĩnh, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng rất hoan nghênh Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư 15. Thủ tướng cho biết sẵn sàng ngồi đối thoại với các bên mua bán điện song Thủ tướng lưu ý giá điện cần được bàn thảo cho hợp lý, điều hành không giật cục.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Vượt khó khăn, thiết lập nhiều kỷ lục

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực: GDP tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.

Đóng góp vào các thành tích chung đó, Bộ Công Thương dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, sáng tạo trong triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả quan trọng.

Nổi bật là, về cơ bản đã bảo đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân (mặc dù có thời điểm thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương nhưng đã được khắc phục kịp thời, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước).

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng 8,1% - đóng góp gần 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.

Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, đưa nước ta vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Báo cáo trước Thủ tướng về nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước Tết, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ Tết hoặc nhập hàng chậm, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp khắc phục, các cửa hàng sau đó đã mở cửa bán hàng bình thường trở lại phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...

MINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-thuc-day-tieu-dung-va-xuat-nhap-khau-bao-dam-nang-luong-717983