Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương

Hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: VGP

Bình Dương được chia tách và tái lập từ tỉnh Sông Bé từ ngày 1/1/1997 với diện tích tự nhiên là 2.696 km2; dân số hiện trên 2 triệu người (trong đó dân số ngoài tỉnh chiếm khoảng 52%).

20 năm qua, Bình Dương có sự phát triển nhanh chóng, trở thành một trong 13 tỉnh đóng góp vào ngân sách Trung ương.

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương đạt 8,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng (gấp hơn 2 lần bình quân cả nước), thu ngân sách ước đạt 40 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,3 tỷ USD, chiếm khoảng 12% xuất khẩu của cả nước; công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 90% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà tỉnh Bình Dương đã đạt được. Thủ tướng cho rằng, Bình Dương nổi lên là một điểm sáng trong phát triển, một điển hình, một cách làm mới. Với cách làm sáng tạo, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục sau 20 năm chia tách tỉnh.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về thành tựu kinh tế-xã hội của Bình Dương, trong quá trình phát triển, trong đó có việc coi trọng an sinh xã hội, cải cách hành chính; xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, chủ động xây dựng thành phố thông minh; phát triển công nghiệp đồng thời quan tâm đến khu vực nông thôn… Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Bình Dương coi người nhập cư là đối tượng phát triển chứ không phải đối tượng quản lý và phát huy sức mạnh của đối tượng này vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Bình Dương về một số điểm hạn chế, thách thức: Chưa khai thác hết lợi thế vị trí địa lý để phát triển các dịch vụ chất lượng cao, phát triển các dịch hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đang đi xuống (ở vị trí 25/63, đứng thứ 4 vùng Đông Nam Bộ).

Bên cạnh đó, Bình Dương phát triển chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao; công nghiệp gia công còn lớn. Tính liên kết trong phát triển còn yếu, việc phát triển doanh nghiệp còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng xả thải gây ô nhiễm ở một số dự án trên địa bàn. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung.

Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương

Về định hướng tầm nhìn cho Bình Dương, Thủ tướng nêu rõ: Bình Dương phải sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm công nghiệp của cả nước, một thành phố thông minh, một điểm đến cho các nhà đầu tư và những ý tưởng sáng tạo. Để đạt được tầm nhìn này, điểm cốt lõi nhất là “phải tạo được một đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện tốt hơn kết nối về hạ tầng giữa các đô thị của tỉnh với cả vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc trước mắt là phải làm tốt công tác quy hoạch, đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng chính là chủ đề Chính phủ đặt ra cho năm 2017.

Bình Dương phải coi động lực tăng trưởng của tỉnh là dựa trên tăng năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo; cần tạo sự gắn kết tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Bình Dương cũng phải phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, đến năm 2020 đạt 50.000 doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bình Dương tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động phổ thông. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó là thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, lành mạnh; quan tâm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân với việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Thủ tướng thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rực. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu Bình Dương cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu, vi phạm pháp luật. Bình Dương cần có chương trình thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân trên địa bàn; quan tâm, chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách, người lao động đón Tết Đinh Dậu sắp tới.

* Chiều ngày 1/1/2017, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rực và gia đình ông Nguyễn Thanh Châu- lão thành cách mạng ở phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thu-tuong-chinh-phu-tham-va-lam-viec-tai-tinh-binh-duong/