Thủ tướng: Chúng ta chấp nhận phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế

Chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế.

Đó là một trong những ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế diễn ra chiều 19/1.

Thủ tướng cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, năm 2020 là năm đặc biệt, đầy thách thức. Tuy nhiên, chúng ta vượt qua thách thức một cách thành công. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Chính phủ đã hành động quyết liệt, quyết đoán, qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần thúc đẩy kinh tế. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã chấp nhận thâm hụt thêm để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Về tình hình năm 2021, một số chuyên gia cho rằng, năm 2021 chỉ khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, giải pháp được chia thành 2 nhóm: thứ nhất là phòng chống dịch bệnh và nhóm thứ 2 là các giải pháp khác, như kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa phải coi là động lực tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công. Thời gian qua, đầu tư công đã có tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Theo TS. Cấn Văn Lực, có 5 vấn đề, đó là: Phục hồi kinh tế theo hướng xanh; Tuần hoàn kép nhằm tận dụng tối đa những gì hội nhập quốc tế mang lại, gọi là tuần hoàn quốc tế và tuần hoàn thị trường nội địa; Thể chế cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, kinh tế số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và khâu thực thi phải tốt hơn; Cơ hội vàng tái cơ cấu lại nền kinh tế để phân bổ nguồn lực tốt hơn; Tiếp tục các gói hỗ trợ…

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, chúng ta không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp. “Chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế”- Thủ tướng nói.

Ngoài ra, cần lưu ý các bài học đề phòng lạm phát, nợ xấu. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn nhiều điểm hạn chế, và theo Thủ tướng, nếu nỗ lực, chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị, Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia kịp thời tư vấn Thủ tướng những cơ chế, giải pháp phù hợp trước tình hình mới. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, chúng ta vẫn chưa có một số cơ chế đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư - kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản, nhất là vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt... “Thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành Công nghiệp ôtô, điện tử…”- Thủ tướng nói.

Đặc biệt, tại cuộc họp này, Thủ tướng đã nêu rõ, cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững là những trọng tâm, nhất là chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu.

Thủ tướng đề nghị, Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới.

Cùng với đó, tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cũng như nghiên cứu giải pháp hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước…

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/thoi-su/thu-tuong-chung-ta-chap-nhan-phai-thay-doi-ca-the-che-phap-luat-phat-trien-ve-kinh-te-100487.html