Thủ tướng: Đầu tư cao tốc phải ưu tiên nguồn lực tư nhân

Thủ tướng yêu cầu đầu tư cao tốc cần ưu tiên phương thức đối tác công tư (PPP), BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực…

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 26-4 về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Trình Bộ Chính trị cho ý kiến

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc” và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Tờ trình trên sẽ được lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội (QH), Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương đảng và các bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét thông qua. Sau đó trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở trình QH thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XV vào tháng 7-2021.

Về phạm vi đầu tư, Thủ tướng lưu ý căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam cần đầu tư giai đoạn 2021-2025. Việc này nhằm mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường cao tốc ở những nơi thật sự cần thiết.

Một đoạn cao tốc La Sơn-Túy Loan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: NGUYỄN DO

Một đoạn cao tốc La Sơn-Túy Loan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: NGUYỄN DO

Với các tuyến cao tốc khác, Thủ tướng đề nghị tập trung khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu QH đề nghị thời gian qua như: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến kết nối Nam Trung bộ với Tây Nguyên...; các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 (TP.HCM) và vành đai 4, vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội...

Về phương thức đầu tư, ưu tiên phương thức đối tác công tư (PPP), BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương, tư nhân), có cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, người dân, nhà đầu tư).

Bộ GTVT cũng được giao khẩn trương tổng kết một số mô hình thành công khi giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tốt, báo cáo Thường trực Chính phủ trong quý II-2021 để đúc rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng việc phân cấp, ủy quyền.

Đồng thời khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường cao tốc qua địa bàn... “Nguyên tắc là triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách trung ương phải được Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần” - kết luận của Thủ tướng nêu rõ.

Đề xuất đầu tư 42 tuyến cao tốc

Trước đó, đầu tháng 3-2020, Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) đề xuất triển khai tiếp 11 dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, chiều dài hơn 820 km, tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỉ đồng. Trường hợp 11 dự án này được QH thông qua chủ trương và đưa vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, kết hợp với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đang triển khai, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được kết nối toàn tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM.

Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT rà soát quy định pháp luật để đề xuất các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án đường cao tốc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Cần rút kinh nghiệm các đề xuất trước đây làm bế tắc khi triển khai theo phương thức PPP và BOT.

Ngoài ra, mới đây, Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong đó, đến năm 2025 xây mới khoảng 2.542 km, đến năm 2030 xây mới khoảng 1.339 km.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT đang xem xét đề xuất của tư vấn về việc bổ sung 42 tuyến đường bộ cao tốc, với số tiền dự kiến gần 825.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đưa vào quy hoạch 32 tuyến cao tốc, với tổng mức đầu tư 483.848 tỉ đồng.

Riêng khu vực phía Nam gồm dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Bến Lức, Mỹ An - Cao Lãnh, Chơn Thành - Đức Hòa, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đến giai đoạn 2026-2030, khu vực phía Bắc có bốn tuyến cao tốc được đưa vào quy hoạch để đầu tư gồm đường vành đai 4, 5; Mộc Châu - Sơn La; Phú Thọ - Chợ Bến. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có ba tuyến là Vinh - Thanh Thủy, Quy Nhơn - Pleiku, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Khu vực phía Nam có bốn tuyến là Gò Dầu - Xa Mát, Hồng Ngự - Trà Vinh, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, vành đai 4 (TP.HCM). Tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc được quy hoạch trong giai đoạn 2026-2030 khoảng 340.620 tỉ đồng.•

11 dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam
11 dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam được Vụ KH&ĐT đề xuất triển khai gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi (dài 34 km, vốn đầu tư dự kiến 4.549 tỉ đồng); Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 53,4 km, vốn đầu tư 5.162 tỉ đồng); Vũng Áng - Bùng (dài 54 km, vốn 9.554 tỉ đồng); Bùng - Vạn Ninh (dài 60 km, vốn 8.758 tỉ đồng); Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 55 km, vốn 11.306 tỉ đồng); Cam Lộ - La Sơn giai đoạn hoàn chỉnh (dài 98 km, vốn 3.500 tỉ đồng); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dài 92 km, vốn 14.649 tỉ đồng); Hoài Nhơn - Quy Nhơn (dài 78 km, vốn 14.420 tỉ đồng); Quy Nhơn - Tuy Hòa (dài 100 km, vốn 15.923 tỉ đồng); Tuy Hòa - Vân Phong (dài 44 km, vốn 7.000 tỉ đồng); Vân Phong - Nha Trang (dài 76,6 km, vốn 12.205 tỉ đồng).

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/thu-tuong-dau-tu-cao-toc-phai-uu-tien-nguon-luc-tu-nhan-982753.html