Thủ tướng đồng ý bỏ Hội đồng quỹ bảo trì đường bộ

Hội đồng quỹ bảo trì đường bộ sẽ giải thể từ ngày 1/3/2020. Từ năm 2021, quỹ bảo trì đường bộ thu theo đầu xe sẽ được chuyển về trung ương.

Ngày 14/1/2020, theo thông tin từ Pháp luật TP. HCM, Thủ tướng vừa ban hành nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo trì đường bộ.

Theo đó, một trong số trong văn bản được Thủ tướng bãi bỏ là Quyết định 18/2012 quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ trung ương để phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước.

Nghị định Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT quy định việc thu, nộp và sử dụng phí đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước theo quy định của pháp luật về phí và ngân sách nhà nước.

"Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ…” - nghị định Chính phủ nêu rõ.

Công nhân duy tu đoạn đường trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Công nhân duy tu đoạn đường trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Nghị định Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương. Sau đó, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện từ năm 2021.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT và UBND các tỉnh thực hiện sắp xếp bộ máy, tài chính của quỹ bảo trì đường bộ theo quy định của pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2020 và áp dụng từ năm tài chính 2020.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành về quỹ bảo trì đường bộ.

Theo Bộ GTVT đề xuất, toàn bộ tiền thu phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, không nộp về tài khoản của quỹ bảo trì đường bộ trung ương như trước đây.

Sau đó, kinh phí sử dụng cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống giao thông đường bộ được ngân sách nhà nước phát trở lại cho quỹ bảo trì đường bộ.

Do quỹ bảo trì đường bộ hiện không có nguồn thu nào khác ngoài nguồn nhận cấp phát từ ngân sách nhà nước, nên quỹ chủ yếu thực hiện chức năng trung gian, tiếp nhận và cấp phát cho các đối tượng sử dụng kinh phí.

Tháng 8/2019, trong buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội cho biết, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả chưa cao khi nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ (có thể toàn bộ hoặc một phần) trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách.

Một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng, hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định.

Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi nhiệm vụ tuyên truyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ.

“Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất quỹ; việc chia sẻ nguồn thu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan ở một số quỹ chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập”, ông Hải cho hay.

Từ đó, ông Hải cũng đồng tình với việc bãi bỏ hàng loạt quỹ như quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn xăng dầu, quỹ phòng chống thiên tai...

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-tuong-dong-y-bo-hoi-dong-quy-bao-tri-duong-bo-3395180/