Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Tối 8/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa - Đây là 1 sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.

Tối 8/5, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Trong diễn văn khai mạc, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, đến nay chúng ta có thể yên tâm khẳng định: Vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa - Cái tên gần gũi, thân thương, nhưng cũng hết sức quật cường, trung dũng, đã gắn liền và khắc sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) không chỉ nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng, mà còn là dịp để mỗi người dân chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử hào hùng của dân tộc, để vững tin và quyết tâm chung sức, chung lòng xây dựng Thanh Hóa nhanh chóng trở thành một "tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, “địa linh, nhân kiệt” và khoa bảng.

Mặc dù thời tiết mưa lớn nhưng người dân Thanh Hóa vẫn kéo đến ngồi xem chương trình Lễ kỷ niệm có ý nghĩa lịch sử này

Xứ Thanh cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử anh hùng dân tộc kiệt xuất như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi... Trong lịch sử khoa bảng nước nhà, xứ Thanh hiếu học đã có 1.627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi nổi tiếng được lưu danh trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ...

Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Màn bắn pháo hoa tầm thấp đánh dấu mốc lịch sử 990 năm Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khai thác và phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng kiên cường, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội; kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển, xứng đáng với truyền thống vùng quê “Địa linh nhân kiệt”, với truyền thống anh hùng cách mạng.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động trong ngành kinh tế số. Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển; nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư những hạ tầng quan trọng...

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”, với sự tham gia biểu diễn của 500 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp đến từ nhiều đoàn nghệ thuật trong tỉnh và Trung ương. Chương trình nghệ thuật được chia làm 3 chương, với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch thông qua lời dẫn, lời bình và các thủ thuật đạo diễn.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-du-le-ky-niem-990-nam-thanh-hoa-d420246.html