Thủ tướng Đức thăm Ấn Độ, dự kiến ký 20 thỏa thuận

Thủ tướng Đức Angela Merkel tối ngày 31/10 đã đến New Delhi bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ kéo dài trong 2 ngày. Theo lịch trình, hôm nay (1/11), bà Merkel hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi và dự kiến khoảng 20 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1/11 tại thủ đô New Delhi. (Nguồn: Reuters)

Tháp tùng Thủ tướng Merkel là 12 Bộ trưởng Nội các cùng đoàn doanh nghiệp hùng hậu. Trong chuyến thăm, bà Merkel đồng chủ trì cuộc họp Tham vấn liên chính phủ (IGC) lần thứ 5 với Thủ tướng Modi, chào xã giao Tổng thống Ram Nath Kovind, gặp gỡ đoàn doanh nghiệp, thăm công ty sản xuất phụ tùng ô tô Continental và ga tàu điện ngầm Dwarka Sector 21.

Làm phong phú kết cấu chiến lược

Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Merkel đã bày tỏ niềm vui về “chuyến thăm lần thứ 4 tới Ấn Độ” với lịch trình gặp Thủ tướng Modi – cuộc gặp lần thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo trong 1 năm. Nhà lãnh đạo Đức cho biết, trọng tâm của cuộc thảo luận sẽ là quan hệ kinh tế và thương mại, bảo vệ khí hậu, phát triển bền vững cùng nhiều vấn đề khác.

Theo tuyên bố của Đại sứ quán Ấn Độ tại Đức, “Ấn Độ và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với đặc trưng là sự tin cậy cao và sự hiểu biết lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo thường xuyên gặp gỡ bên lề các hội nghị đa phương. Đức là đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu”.

Gần đây, Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Modi đã gặp nhau bên lề Khóa học 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, thảo luận nhiều vấn đề cùng quan tâm. Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Modi đã dừng chân tại Berlin, gặp bà Merkel sau khi kết thúc hai chuyến thăm Thụy Điển và Anh quốc.

Trước chuyến thăm, khi được hỏi về việc liệu hai Thủ tướng có thảo luận về vấn đề Kashmir, Đại sứ Đức tại Ấn Độ Walter J Lindner cho biết hai nhà lãnh đạo có "mối quan hệ rất tốt và họ có thể trao đổi về mọi vấn đề".

Ông Lindner cho biết lập trường của Đức đối với vấn đề Kashmir phù hợp với quan điểm của Liên minh châu Âu, vốn yêu cầu Ấn Độ và Pakistan giải quyết vấn đề Kashmir thông qua đối thoại, tìm kiếm giải pháp chính trị và hòa bình, tôn trọng lợi ích của người dân Kashmir ở cả hai bên Đường Kiểm soát.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho rằng chuyến thăm của bà Merkel làm phong phú kết cấu chiến lược của mối quan hệ song phương.

"Đối tác tự nhiên trong liên minh lớn hơn"

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá Ấn Độ là một "trụ cột của sự ổn định" ở Nam Á.

Chuyến thăm của bà Merkel diễn ra vài ngày sau khi Quốc hội Đức thông qua nghị quyết kêu gọi nâng cấp quan hệ giữa Đức và Ấn Độ. Trong cuộc thảo luận tại Bundestag, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã mô tả Ấn Độ là một "trụ cột của sự ổn định" ở Nam Á.

Ông Mass dùng từ “nguy hiểm” khi nói về "quan điểm của châu Âu khi hạn chế chính sách châu Á quá nhiều về Trung Quốc, đặc biệt là khi chúng ta có một đối tác ở Ấn Độ gần gũi hơn về các giá trị cũng như nhận thức về dân chủ”, ông Maas nói.

Đồng quan điểm trên, nghị sĩ Johann Wadephul, người thân cận với Thủ tướng Merkel cho hay, “chúng ta ở Đức, cũng như ở châu Âu, đến nay đã tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc trong khi lại đánh giá thấp tầm quan trọng của Ấn Độ”.

Mặc dù châu Âu được hưởng lợi từ các thỏa thuận kinh doanh với Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh tuyên bố về mục tiêu trở thành người chơi công nghệ và kinh tế thống trị thế giới vào năm 2049 có nghĩa là đã đặt ra thách thức kinh tế ngày càng tăng đối với châu Âu.

Theo ông Wadephul, "Không quốc gia nào ở châu Âu hay châu Á muốn chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc mà có thể thực hiện bằng cách chỉ dựa vào chính mình”, ông Wadephul. Và đó là lý do tại sao, Đức đang tìm cách xây dựng "một liên minh đa phương" với "các giá trị chung".

"Là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ là đối tác tự nhiên của Đức trong liên minh lớn hơn này”, ông Wadephul nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề tự do hàng hải, ông Wadephul cho hay Đức cam kết với một khu vực "Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

"Đây không chỉ là vấn đề đoàn kết với Ấn Độ, mà xuất phát từ mối quan tâm rộng lớn hơn về các tuyến đường biển mở", chẳng hạn như Eo biển Hormuz, Biển Hoa Đông và Biển Đông... Theo ông, những điểm này “đưa ra một thách thức an ninh toàn cầu mà Ấn Độ và Đức nên cùng nhau giải quyết", Wadephul nói.

Diễm Hạnh

(tổng hợp)

Diễm Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-duc-tham-an-do-du-kien-ky-20-thoa-thuan-103702.html