Thủ tướng được quyền xóa nợ thuế trên 15 tỷ đồng

Đây là những khoản nợ của doanh nghiệp đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi.

Trước khi thông qua vào sáng nay (13-6), dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình tiếp thu những điểm căn bản.

Cấm xuất hóa đơn ảo

Theo UBTVQH, quá trình thảo luận về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế (Điều 6), có đại biểu đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm lợi dụng chuyển giá, tránh thuế để sắp đặt trốn thuế, hưởng lợi và hành vi cấm xuất hóa đơn ảo, làm hợp lý hóa chi phí gây thất thoát nguồn thu, chi ngân sách nhà nước.

Để giải trình, tiếp thu nội dung này, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung hành vi nghiêm cấm trong việc chuyển giá vào khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Lý giải hành vi trốn thuế đã bao hàm nội dung về tránh thuế, UBTVQH xin Quốc hội không bổ sung trong dự thảo Luật. Theo đó, khoản 1 Điều này được quy định như sau: “Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế”.

Ngoài ra, UBTVQH cũng rà soát bỏ quy định về hành vi bị cấm tại khoản 3 Điều 95 về hệ thống thông tin của người nộp thuế tại dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 để bổ sung hành vi bị cấm đối với việc làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế tại khoản 8 Điều 6 của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Riêng hành vi cấm xuất hóa đơn ảo, làm hợp lý hóa chi phí đã được quy định tại khoản 7 Điều 6 của dự thảo Luật, do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luậtđã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

4 mức thẩm quyền xóa nợ thuế

Cho ý kiến về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh (Điều 67), có đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét đối với trường hợp quy định về hình phạt cấm kinh doanh vĩnh viễn và cấm trong thời gian nhất định đối với pháp nhân thương mại thực hiện được quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Bộ luật Hình sự để xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội mà trong trường hợp còn nợ tiền thuế.

Giải trình điều này, UBTVQH cho biết, theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật Hình sự, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm đối với một hoặc một số lĩnh vực nhất định.

Còn tại Điều 79 của Bộ Luật Hình sự, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt độn. Điều 80 của Bộ luật Hình sự, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động một hoặc một số lĩnh vực nhất định trong thời hạn từ 1 đến 3 năm.

"Như vậy, chỉ khi pháp nhân thương mại bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (chấm dứt hoạt động) và trong trường hợp còn nợ thuế, mới phát sinh trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế" - TVQH giải trình.

Cũng theo UBTVQH, việc xử lý trường hợp pháp nhân thương mại bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (chấm dứt hoạt động) và còn nợ thuế đã được quy định tại khoản 3 Điều này. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Liên quan đến trường hợp được xóa nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 85), có ý kiến cho rằng, Điều 85 quy định về điều kiện để xóa nợ, trong khi các khoản xóa nợ 5 tỷ, 10 tỷ, 15 tỷ đều tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng dự thảo Luật chỉ quy định Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi có doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà không quy định về mức tiền được xóa.

Đối với hộ kinh doanh được xóa sau 10 năm nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không thấy quy định thời hạn bao nhiêu năm xóa hay đủ điều kiện phá sản là đủ điều kiện được xóa nợ ngay.

Cơ quan giải trình thông tin, Điều 85 dự thảo Luật quy định xóa nợ đối với 3 đối tượng, gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế (tại khoản 1 Điều 85); cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp thuế (tại khoản 2 Điều 85).

Các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi ( khoản 3 Điều 85).

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản thể hiện tại khoản 1 Điều 85 và đối với cá nhân thể hiện tại khoản 2 Điều 85 của Luật Phá sản, dự thảo Luật quy định thẩm quyền xóa nợ quy định giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh nên trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản không quy định khoản nợ phải quá 10 năm và cũng không quy định mức tiền xóa nợ (không giới hạn về mức tiền xóa nợ).

Đối với khoản nợ của doanh nghiệp đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi (khoản 3 Điều 85), dự thảo Luật quy định thẩm quyền xóa nợ.

Cụ thể, dưới 5 tỷ đồng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh; từ 5 đến 10 tỷ đồng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; từ 10 đến 15 tỷ đồng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và trên 15 tỷ đồng giao Thủ tướng Chính phủ.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/no-thue-tren-15-ty-dong-thu-tuong-duoc-quyen-xoa_75628.html