Thủ tướng gặp Tổng thống Pháp, đề nghị hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các di tích lịch sử

Thủ tướng đề nghị Tổng thống Pháp tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phục dựng, bảo tồn các di tích lịch sử để nâng tầm văn hóa, đồng thời thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Lộ trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Ngày 2/12, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác và triển khai các nội dung đã nhất trí trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Macron ngày 20/10/2023, nhất là thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Thủ tướng cho rằng giữa hai nước có sự kết nối hòa quyện về văn hóa, kiến trúc, hội họa, Việt Nam mong muốn Pháp tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phục dựng, bảo tồn các di tích lịch sử để nâng tầm văn hóa. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Pháp thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Tổng thống Macron cho biết sẽ cử một số Bộ trưởng sang thăm Việt Nam, cùng trao đổi, phối hợp với các đối tác Việt Nam để rà soát, thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư; đồng thời khẳng định Chính phủ Pháp đã có lộ trình phê chuẩn EVIPA. Đây sẽ là những bước chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng cho chuyến thăm Việt Nam thời gian tới.

Tổng thống Macron hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực nổi bật của Việt Nam trong thực hiện Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và khẳng định Chính phủ Pháp sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này.

Chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan

Cùng ngày, tại tọa đàm về “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than” do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia, chuyển đổi công nghệ quản trị, đánh giá và xử lý tác động, huy động tài chính, thúc đẩy hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế để chuyển đổi nhanh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nước G7, trong đó có Pháp, và các đối tác quốc tế khác đã hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nhất là thông qua triển khai Tuyên bố JETP, qua đó góp phần đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi xanh trên toàn cầu.

Thủ tướng đồng thời đề nghị các đối tác tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống quản trị thông minh.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Mỹ và Lãnh đạo các tổ chức và thể chế tài chính quốc tế hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Việt Nam, khẳng định sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vì lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung của thế giới.

Văn Kiên (từ Dubai, UAE)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-gap-tong-thong-phap-de-nghi-ho-tro-viet-nam-bao-ton-cac-di-tich-lich-su-post1592109.tpo