Thủ tướng: Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế không chịu được

Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề giá điện theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành 'giật cục', cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Sáng 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các ý kiến tại hội nghị đánh giá: Thời gian qua, ngành công thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực; chuỗi cung ứng được nối lại. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, đóng góp 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2022; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội...

An ninh năng lượng được bảo đảm, cung cấp đủ diện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng; Thị trường trong nước hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt 2,7 lần so với kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân; Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong năm 2023, Bộ Công thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ; tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp và chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển sản xuất bền vững…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tình hình hoạt động của ngành công thương năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, công việc thường xuyên ngày càng nặng nề, trong khi phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và bất cập, tồn đọng tích tụ kéo dài.

Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy kết quả đạt được, tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Về nhiệm vụ của ngành công thương, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cần "biến nguy thành cơ". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì; Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất; Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; Đẩy mạnh sức mua trong nước; Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương; Có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm: nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Về giá điện, Thủ tướng cho biết, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Cùng với đó, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-gia-dien-qua-cao-thi-nguoi-dan-doanh-nghiep-nen-kinh-te-khong-chiu-duoc-169230203144121264.htm