Thủ tướng giao chỉ tiêu xuất khẩu nông nghiệp năm 2023 đạt 55 tỷ USD

Với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, mức tăng trưởng toàn ngành đạt 3,36%, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp. Ảnh: VGP.

Thay đổi tư duy để có nguồn lực mới

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, năm 2022 là năm vượt khó của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu hướng người tiêu dùng, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với những gì đã làm được, truyền thống và khả năng vượt khó, người đứng đầu Chính phủ tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ thực hiện được những quyết tâm trên. Và đề nghị Bộ NN&PTNT kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được để bứt phá và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2022, Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn. Trong đó, ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng 3,36% - là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Đây là nỗ lực của ngành trong một điều kiện khó khăn phải khắc phục hậu quả covid-19 về xuất khẩu.

Tuy đây là tăng trưởng thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế nhưng đã mang lại giá trị lớn, trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế. Đảm bảo an ninh lương thực và có thặng dư xuất khẩu hơn 53 tỷ USD.

"Qua nhiều thăng trầm, ngành nông nghiệp càng ngày càng khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đóng góp vào xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động hội nhập tích cực một cách hiệu quả, thực chất và toàn diện. Góp phần mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về thể chế, Bộ NN&PTNT cũng góp phần xây dựng các Nghị quyết Trung ương quan trọng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn; hợp tác xã và các dự án luật liên quan các hướng dẫn trong ngành.

Bộ đã nắm chắc tình hình diễn biến trong nước và thế giới để điều hành linh hoạt, thích ứng phù hợp với biến đổi thế giới. Năm ngoái, các lãnh đạo ngành đã rất trăn trở về bài toán nhập siêu, nhưng năm nay ngành nông nghiệp đã chuyển đổi thành xuất siêu.

“Đặc biệt, toàn ngành đã thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới còn sức mạnh bắt nguồn từ nông dân. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững hơn”, Thủ tướng biểu dương.

Từ những kết quả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được trong năm qua, Thủ tướng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm, gồm: Đoàn kết thống nhất cả nhận thức và hành động; Nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để chỉ đạo, điều hành sáng tạo, linh hoạt; Tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi gắn với giám giám sát, kiểm tra thường xuyên; Xác định có trọng tâm, trọng điểm bởi thời gian, năng lực, cơ sở hạ tầng có hạn; Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và phải phối hợp thực sự.

Đáp ứng nguồn vốn cho sự phát triển toàn ngành

Bên cạnh đó những thành tựu đáng biểu dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần nhìn nhận lại những tồn tại của ngành. Tăng trưởng nông nghiệp chưa bền vững. Một vấn đề có tính chất quốc gia, danh dự dân tộc là thẻ vàng IUU vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Một số cơ chế chính sách cần điều chỉnh vướng mắc để tránh chồng chéo, phù hợp với thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ còn chưa được nhiều, đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Các nhà khoa học cần đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động ngành nông nghiệp.

Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới còn chênh lệch về vùng miền, chất lượng. Chương trình OCOP cần được xây dựng đầy đủ gắn với thương hiệu, thị trường và vùng nguyên liệu và vốn. Lao động nông nghiệp cần có giá trị gia tăng cao hơn, năng suất lớn hơn. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp tại gian trưng bày tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Về giao nhiệm vụ năm tới, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng khắc phục những tồn tại. Dù xác định khó khăn toàn cầu sẽ nhiều hơn năm trước, nhưng người đứng đầu Chính phủ tin tưởng rằng, với truyền thống của Việt Nam càng khó khăn càng sáng tạo, vững vàng bản lĩnh kiên định và linh hoạt, Bộ NN&PTNT sẽ chuẩn bị sẵn tâm thế chủ động thích ứng với những biến động trong năm tới.

Giải pháp được Thủ tướng định hướng chính là nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Với phương châm nông dân là trung tâm, nông nghiệp là nền tảng và nông thôn là động lực.

“Để làm được điều này Bộ NN&PTNT cần phối hợp với ngành ngân hàng đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn cho phát triển toàn ngành. Đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường chủ động tham gia chuỗi cung ứng thế giới. Nhân rộng các mô hình hay mới, có hiệu quả. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt 55 tỷ USD”, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ.

Theo thống kê, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành NN&PTNT (GDP) đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-giao-chi-tieu-xuat-khau-nong-nghiep-nam-2023-dat-55-ty-usd-post16616.html