Thủ tướng: Giáo viên phải được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình

Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào GD-ĐT. Hệ thống GD-ĐT muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

Chiều 19-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tham dự cuộc gặp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và 60 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho toàn thể hơn 1,6 triệu nhà giáo trên toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục hiện có gần 27 triệu học sinh, sinh viên; khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ. Đời sống của nhà giáo, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Còn có một số giáo viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo gây ảnh hưởng xấu trong dư luận; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay. Ngành giáo dục nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế này và đang ra sức khắc phục và đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, chung tay giải quyết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, các nhà giáo đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng tới Thủ tướng, Chính phủ. Đáng chú ý, thầy Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - người đã tham gia giảng dạy trong ngành giáo dục trên 40 năm đề xuất phải thực hiện sự ưu tiên phát triển giáo dục. “Nhiều gia đình đã đầu tư rất lớn cho con em của mình học tập, trong đó có nhiều người ra nước ngoài học tập. Đó là đột phá lớn, làm thay đổi bộ mặt trí thức khoa học kỹ thuật của chúng ta. Tôi đề nghị, Đảng và Nhà nước cần thấy rằng lúc này là lúc bắt đầu thực hiện ưu tiên cho phát triển giáo dục trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội”, thầy Võ Văn Sen phát biểu.

Nhiều thầy cô giáo cũng đề nghị nhà nước có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho các giáo viên và học sinh vùng cao; đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu trong trường đại học. Đặc biệt, thầy cô mong các bậc phụ huynh nhìn nhận đầy đủ, tích cực về ngành giáo dục, tránh tổn thương thầy cô..

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào GD-ĐT. Hệ thống GD-ĐT muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

"Yếu tố con người càng quan trọng bao nhiêu thì sự nghiệp GD-ĐT càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta xem GD-ĐT là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng nói.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang của nghề giáo, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành GD-ĐT nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.

Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lớn: GD-ĐT là sự nghiệp chung của toàn xã hội. gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện. Cần tiếp tục quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực"; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường…

Thủ tướng cũng nêu rõ, phát triển GD-ĐT phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

Thầy Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: VIẾT CHUNG

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường. Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác GD-ĐT. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình. Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành GD-ĐT, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//thu-tuong-giao-vien-phai-duoc-thu-huong-muc-tuong-xung-voi-cong-suc-cua-minh-857626.html