Thủ tướng gợi ý 2 phương án đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) sau năm 2020 có thể đổi tên thành Ủy ban Cải cách Đổi mới hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ KHĐT phải như một “nhà toán học” để giúp giải các bài toán khó của đất nước tại hội nghị triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ với chủ đề “khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả” chiều 9/1.

Ông cũng cho rằng từ “kế hoạch” đã không còn phù hợp với tên của Bộ trong giai đoạn hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ gợi mở với vai trò nhạc trưởng của Bộ KHĐT, sau năm 2020 có thể đổi tên thành Ủy ban Cải cách Phát triển hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và phát triển.

Phải bảo vệ quyền đầu tư, kinh doanh

Mở đầu phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một số con số mang dấu ấn của Bộ KHĐT trong năm 2019, đóng góp vào thành công chung của đất nước.

Đầu tiên là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông nhấn mạnh trong môi trường thế giới biến động như hiện nay thì việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh là “không dễ gì đạt được”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Năm qua, nhờ chính sách đúng đắn, sáng tạo, Chính phủ đã kiên định trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hướng vào sản xuất kinh doanh để tạo tiền đề cho phát triển.

Thủ tướng cũng đánh giá chất lượng tăng trưởng ngày càng tốt hơn, thể hiện rõ ở năng suất lao động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tốt, thu ngân sách tăng. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh lần đầu tiên 100% các địa phương đều vượt thu.

Năm qua, thu hút vốn FDI cũng đạt kỷ lục ở mức 38 tỷ USD, tỷ lệ giải ngân vốn cao. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt 138.000, đưa tổng số doanh nghiệp lên mức 780.000. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 đã tăng 10,2% so với năm 2018 và bằng 34% GDP.

“Vốn đầu tư toàn xã hội thể hiện chính là sức dân. Người dân phải có niềm tin thì mới đầu tư như thế. Do đó, phải giải phóng nguồn lực, tận dụng sức dân. Phải bảo vệ quyền công dân, quyền đầu tư - kinh doanh, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, ông nói.

Do đó, Thủ tướng chức mừng và biểu dương những thành tích mà Bộ KH&ĐT đã đạt được năm qua.

Tháo gỡ những nút thắt

Trong năm 2020 và lâu hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KHĐT tháo gỡ hơn nữa một số nút thắt, tồn tại, các vấn đề mới phát sinh.

Thứ nhất, ông cho rằng cần nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư công (sửa đổi), trong đó giải quyết các vướng mắc về thể chế và đặc biệt là ở khâu thực hiện.

Thứ hai, việc xây dựng một số luật vẫn có vướng mắc, cần nhanh chóng hoàn thiện.

Thứ ba, cần làm tốt công tác quản lý đấu thầu, quản lý đầu tư các dự án đầu tư công, không để tình trạng đấu thầu kéo dài, tham nhũng, đấu thầu kém công khai…

Thứ tư, Thủ tướng nhắc cần khắc phục các hạn chế trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, Bộ KHĐT cũng cần góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, phát huy vai trò trong việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ sáu, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến việc tham mưu một số chính sách có hiệu quả chưa cao.

Thứ bảy, Thủ tướng cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng thể chế với các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, nhất là khi thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhiều bài toàn khó cần lời giải của Bộ KH&ĐT

Phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ KHĐT phải như “một nhà toán học”; đi đầu trong việc giải các bài toán lớn, có đầu bài khó; bài toán khơi thông nguồn lực, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

Ông nhắc lại khát vọng một Việt Nam hùng cường là thực tế, không phải là tinh thần viển vông. Bộ KHĐT với vai trò của mình, phải trực tiếp biến khát vọng đó thành hiện thực. Tất cả địa phương, bộ ngành cần hưởng ứng khát vọng Việt Nam hùng cường.

Thứ hai, trong bối cảnh thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Thủ tướng cho rằng đây lại là cơ hội cho Việt Nam. Nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị - xã hội, là cơ hội thut hút dòng vốn FDI, theo đúng tinh thần Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ KHĐT phải thu hút được số vốn cao hơn nữa con số 38 tỷ USD của năm 2019, đồng thời thu hút được các tập đoàn lớn, các tập đoàn công nghệ, hỗ trợ cho chiến lược “make in Vietnam”.

Thứ ba, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những cơ hội đuổi kịp nước giàu, Thủ tướng mong muốn Bộ KHĐT cần khuyến nghị chính sách, phát triển kinh tế số là nền tảng, là động lực phát triển nhanh, bền vững.

Thứ tư, người đúng đầu Chính phủ yêu cầu phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các tỉnh. Bộ KHĐT chỉ giữ những việc không cần thiết, làm việc kiếm tra, đôn đốc thực hiện.

Thứ năm, Thủ tướng cũng lưu ý đến nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình vẫn còn rất lớn với Việt Nam. Ông mong muốn Bộ KHĐT phải thúc đẩy tháo gỡ, đưa đất nước Việt Nam hùng cường. Ngoài ra là thách thức trong giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội. Ông nhấn mạnh không thể để đạo đức xuống cấp, các vấn đề xã hội kìm hãm phát triển. Các vấn đề phải được quan tâm song song.

“Đang thời kỳ dân số vàng thì chúng ta phải làm gì? Phải chưa già đã giàu, chứ không phải chưa giàu đã già”, Thủ tướng hóm hỉnh chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tiềm lực của quốc gia còn rất lớn, nhất là lực lượng lao động và tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng. Ông mong muốn Bộ KHĐT cần sâu sát trong việc tái đào tạo đội ngũ lao động, phân bổ nguồn lực, cơ cấu lao động, khơi thông nguồn lực.

Cuối cùng, Thủ tướng nhắc đến câu hỏi về việc tên Bộ KHĐT sau năm 2020. Ông chia sẻ quan điểm cá nhân cho rằng cần thay đổi. Tên có thể là Ủy ban Cải cách Đổi mới, người đứng đầu Ủy ban là một thành viên Bộ Chính trị. Hoặc cũng có thể đổi thành Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thu-tuong-goi-y-2-phuong-an-doi-ten-bo-ke-hoach-va-dau-tu-post1034389.html