Thủ tướng kêu gọi toàn dân bảo vệ sức khỏe

Công tác phòng bệnh, phát hiện sớm vẫn chưa được chú trọng; tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật;… là những vấn đề Thủ tướng lưu ý cho sức khỏe nhân dân

Sáng 27-2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam. Buổi lễ phát động được Bộ Y tế tổ chức kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành và hơn 700 điểm cầu quận - huyện, thị xã - thành phố trực thuộc tỉnh vào sáng 27-2.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Tại lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đạt thành tựu quan trọng trong công tác tăng tuổi thọ và thực hiện nhiều mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn có nhiều khó khăn, thách thức mới như vấn đề toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hành vi và thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. "Công tác phòng bệnh, phát hiện sớm vẫn chưa được chú trọng. Tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng cuộc sống" - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu khắc phục sớm.

Thủ tướng cho rằng muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Vì thế, Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng các khách mời đạp xe kêu gọi người dân vận động để nâng cao sức khỏe

Đặc biệt, Thủ tướng khuyên người bình thường nên đo huyết áp ít nhất 6 tháng/ lần để phát hiện sớm nguy cơ tăng huyết áp; đo đường máu ít nhất 1 lần/năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Khi có ho, khò khè, khó thở cần đi khám ngay để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính, những căn bệnh này đang chiếm tới hơn 70% số tử vong hằng năm. "Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình" - Thủ tướng Chính phủ mong muốn.

Những mục tiêu cụ thể

Trong lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các khách mời tham gia bài tập thể dục hơn 3 phút giữa giờ họp. Bài thể dục này đang được Bộ Y tế kêu gọi toàn ngành vận dụng để cải thiện sức khỏe. Lý do kêu gọi được Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải: Từ cuối năm 2018 đến nay, Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu tập thể dục tập thể giữa giờ họp. Bài thể dục kéo dài hơn 3 phút với 11 động tác có xuất xứ từ Nhật Bản. Những động tác này sẽ giúp nâng cao thể lực, bớt mệt mỏi; tăng sức đề kháng và phòng chống nhiều bệnh về cột sống, mắt, tay chân. "Bộ Y tế và ngành y tế sẽ thực hiện trước nhưng chúng tôi cũng mong các ngành khác và nhân dân có thể vận dụng tập ở mọi nơi, mọi lúc" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Sức khỏe Việt Nam là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc để nâng cao sức khỏe, tầm vóc của người Việt. Vì vậy, ngoài lời kêu gọi trên, Bộ Y tế cũng mong bản thân mỗi người dân chú trọng chăm sóc sức khỏe của mình, cố gắng đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, khám sức khỏe định kỳ… "Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 20%; khống chế tỉ lệ người trưởng thành bị béo phì ở mức dưới 12%. Đồng thời, tăng chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam là 167 cm, nữ là 156 cm. Giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành còn 37%; giảm tỉ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại ở nam giới trưởng thành còn 39%...." - bà Nguyễn Thị Kim Tiến kỳ vọng.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-keu-goi-toan-dan-bao-ve-suc-khoe-20190227211724611.htm