Thủ tướng: Không có chuyện thiếu thịt lợn, ai ghìm giá phải bị xử lý

Thủ tướng đề nghị cần phải xử lý việc phao tin đồn về thiếu thịt heo cũng như phải xử lý ai ghìm giá và không chịu xuất heo để bán

Chiều 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai kế hoạch 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Bộ NN&PTNT nhìn nhận, năm nay, toàn ngành đối diện 3 khó khăn, thách thức lớn: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh thành, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi.

Thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu trước những quy định mới khắt khe và yêu cầu cao hơn của thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Riêng về vấn đề dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng đánh giá cao việc chủ động, quyết liệt phòng chống dịch bệnh này. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, công tác chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả rõ rệt, giảm tối đa thiệt hại. Nhờ đó, chúng ta giữ được 25 triệu con lợn, đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu, “chứ không có chuyện thiếu thịt lợn”. Hiện nay, giá thịt lợn có xu hướng giảm.

Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi từ vấn đề này.

"Chúng ta phải công bố thông tin này lên, rằng heo còn rất nhiều với 25 triệu con, không phải chúng ta không còn heo đâu mà cứ đưa giá lên. Tôi khẳng định chúng ta không thiếu thịt heo nhiều đâu, cần thiết thì cho nhập mấy ngàn tấn nữa về để giảm giá heo xuống. Một điều đáng mừng là giá heo đã giảm từ 90.000 đồng/kg heo hơi xuống còn 80.000 - 82.000 đồng/kg heo hơi và đang tiếp tục giảm. Ai ghìm giá, ghìm lợn không cho xuất chuồng phải bị xử lý" - Thủ tướng bày tỏ.

Nói về các thành tựu ấn tượng của ngành nông nghiệp trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới sự kiện gạo ST 25 của Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, nêu rõ "chúng ta phải ủng hộ thị trường chính ngạch để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho mọi người dân, không thể làm theo kiểu cũ”, bởi buôn bán qua tiểu ngạch có thể nảy sinh nhiều vấn đề như tiêu cực, tham nhũng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết có nhiều tin vui về việc mở cửa thị trường cho nông sản Việt mà gần đây nhất là việc Myanmar chấp nhập sản phẩm thanh long của Việt Nam trong chuyến thăm nước này của Thủ tướng.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su/thu-tuong-khong-co-chuyen-thieu-thit-lon-ar518011.html