Thủ tướng: Không để bà con 'đói cơm, lạt muối' ngày Tết

Thăm hỏi, chúc Tết bà con huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền kiểm tra, chăm lo để mọi gia đình được vui Tết đón Xuân.

Trước khi kết thúc chuyến công tác tại Tây Nguyên, sáng nay, 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, động viên, tặng quà và chúc Tết bà con huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông tại địa điểm Buôn Nui, xã Tâm Thắng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, trao quà Tết cho 100 hộ nghèo tại Buôn Nui, huyện Cư Jút.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, trao quà Tết cho 100 hộ nghèo tại Buôn Nui, huyện Cư Jút.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi, nhân dân xã Tâm Thắng đã chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đến thăm, chúc Tết bằng các bài chiêng rộn rã, đậm nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Trước khi mời Thủ tướng vào nhà Dài, bà con Buôn Nui và xã Xuân Thắng đã trực tiếp mặc những chiếc áo thổ cẩm truyền thống cho Thủ tướng và các thành viên, thể hiện tình cảm và lòng hiếu khác.

Phát biểu với bà con nơi đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng thay mặt Đảng, Nhà nước đến thăm, chúc Tết bà con các dân tộc tại huyện Cư Jút và xã Tâm Thắng, vùng đất có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc của các dân tộc Tây nguyên.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà bà con biểu diễn để chào đón Thủ tướng và Đoàn, tặng các thành viên chiếc áo đậm nét truyền thống, thể hiện tình cảm và lòng mến khách của bà con.

Nhấn mạnh, nhân dân ta có truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến các gia đình nghèo, các hoàn cảnh khó khăn, các hộ gia đình chính sách, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến bà con các dân tộc huyện Cư Jút, qua bà con các dân tộc Cư Jút chuyển lời thăm hỏi ân cần nhất tới bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Chúc bà con đón Tết vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Nông và huyện Cư Jút tổ chức cho bà con đón Tết an toàn, vui tươi, không để ai bị đói cơm, lạt muối trong dịp Tết này.

“Tôi yêu cầu cấp ủy chính quyền tỉnh Đắk Nông, huyện, xã tiếp tục kiểm tra để mọi gia đình đều được vui Tết đón Xuân ấm cúng, hạnh phúc, kể cả vật chất và tinh thần; tổ chức các hoạt động cần thiết về văn hóa để bà con vui chơi, giải trí lành mạnh. Đặc biệt chúng ta cũng đưa ra một phong trào mới trong bảo vệ an ninh tổ quốc. Không được uống rượu say, không được đua xe trái phép, không cờ bạc, không để tình trạng nghiện hút trong dân cư. Chi bộ thôn, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín càng phải có trách nhiệm mạnh mẽ hơn, giáo dục lớp trẻ có cuộc sống lành mạnh, vui tươi, nhất là trong dịp vui Xuân đón Tết”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng tặng tivi cho nhà văn hóa Buôn Nui.

Nhân dịp này, Thủ tướng tặng 10 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách của huyện Cư Jút và qua lãnh đạo tỉnh, huyện, Thủ tướng gửi tặng 90 suất quà cho các gia đình khó khăn trong huyện Cư Jút. Thủ tướng cũng tặng bà con xã Tâm Thắng một chiếc tivi.

Buôn Nui, xã Tâm Thắng hiện có 279 hộ với trên 1.100 người. Đây là tộc người có mặt sớm nhất trên vùng đất Cao nguyên hùng vĩ. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của bà con, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Buôn có đường nhựa, đường bê tông đi lại thuận tiện, 100% các cháu trong độ tuổi được đến trường, có điện chiếu sáng, nước sạch và được nhà nước cấp bảo hiểm y tế.

Người dân trong Buôn đã biết thâm canh cây cà phê, cây tiêu, làm lúa nước nên không còn hộ đói. Hộ nghèo chỉ chiếm 8%. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Buôn Nui là nơi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được thế giới công nhận là di sản văn hóa thế giới đó là không gian văn hóa cồng chiêng. Địa phương còn bảo tồn được 9 bộ chiêng với 92 chiếc chiêng mà giá trị của mỗi bộ có thể đổi cả một gia tài. Hiện buôn có 2 nghệ nhân và đội chiêng với 20 người. Từ xa xưa tiếng chiêng đã gắn liền với những lễ hội đặc sắc như lễ cúng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ rước Kpal của người Ê đê.

Đây cũng là nơi còn lưu truyền và phát huy được nghề dệt Thổ cẩm với 01 nghệ nhân, 80 chị em phụ nữ biết dệt với những hoa văn, họa tiết thể hiện khát vọng của người bản địa về cuộc sống gắn bó thiên nhiên cới con người./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-khong-de-ba-con-doi-com-lat-muoi-ngay-tet-864812.vov