Thủ tướng: Không phải nhà đầu tư mang gì tới ta cũng nhận

'Nay hợp tác thu hút vốn FDI chuyển từ thụ động sang chủ động, không phải nhà đầu tư mang gì tới ta cũng chấp nhận mà phải dần thoát khỏi gia công...', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Việt Nam đứng đầu nhóm 12 quốc gia thành công nhất trong thu hút FDI

Phát biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 4/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, FDI trở thành bộ phận không thể tách rời của kinh tế Việt Nam và góp phần thực hiện nhiều chỉ tiêu của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới thời gian qua. Đặc biệt, Việt Nam đứng đầu nhóm 12 quốc gia thành công nhất trong thu hút FDI.

Thủ tướng cũng nêu, liên kết giữa khu vực FDI và trong nước cũng như chuyển giao công nghệ cũng chưa đạt được như kỳ vọng mà chủ yếu mang tính gia công, lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị giă tăng chưa cao; một số dự án tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, ảnh hưởng tới môi trường, nhiều doanh nghiệp còn chuyển giá, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

“Nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại và thua thiệt của việc thu hút đầu tư FDI cho thấy, công nghệ thu hút được thời gian qua chỉ ở mức trung bình, trung bình tiên tiến trong khu vực, chưa thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn hay tỷ lệ đầu tư và nghiên cứu và phát triển còn ít”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác quản lý, Thủ tướng chỉ ra là còn thiếu chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương, thiếu tư duy quản lý phù hợp mang tính cạnh tranh, mang tính thu hút nhà đầu tư toàn cầu có công nghệ cao…

“Nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào là rất quý nhưng có tận dụng được nguồn lực này để nâng cao sự phát triển của đất nước là trách nhiệm chúng ta. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Dù còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục, hoàn thiện nhưng xét về tổng quát, Thủ tướng cho rằng, sau 30 năm qua có thể khẳng định, thu hút FDI là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, cùng đồng hành, lớn lên cùng sự phát triển của đất nước. Các nhà đầu tư là thành viên tích cực của đại gia đình Việt Nam. Việt Nam nhất quán chủ trương trong thu hút FDI.

Chuyển từ thụ động sang chủ động

Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường cơ cấu kinh tế vĩ mô, đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, cạnh tranh. Thủ tướng cũng nên quan điểm: Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực FDI luôn là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Sau 30, nay Việt Nam mở rộng hơn.

“Tôi muốn nói rõ hơn điều này, thu hút FDI không chỉ là thu hút vốn mà còn là hợp tác quản lý, sáp nhập lẫn nhau, bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, xã hội. Đây cũng chính là nội hàm mà các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hướng tới. Nay hợp tác thu hút vốn FDI chuyển từ thụ động sang chủ động, không phải nhà đầu tư mang gì tới ta cũng chấp nhận mà phải dần thoát khỏi gia công, phải nâng tầm, nâng tính chủ động quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu, Việt Nam mong nguồn vốn FDI mang lại lợi ích, cải thiện môi trường, thúc đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị và toàn cầu.

Việt Nam khuyến khích nguồn vốn FDI thân thiện môi trường, công nghệ cao, sử dụng lao động và tiết kiệm năng lượng, có tỷ lệ nội địa hóa cao, tiếp cận công nghệ tương lai 4.0, tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Xuất phát từ những gì đã thực hiện, chúng ta tiếp tục thu hút FDI, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, miền núi. Còn khu vực TP, thị xã sẽ thu hút nguồn vốn có công nghệ tiên tiến. Đây là mô hình chia sẻ với nhiều người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc thu hút nhà đầu tư đa quốc gia, phát triển cụm liên kết ngành, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, liên kết tập đoàn đa quốc gia, từng bước tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, phù hợp với lợi thế quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xen cơ hội thách thức, tác động từng doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương làm tốt các việc: Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng, hoàn thiện khung pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ trong thu hút đầu tư, quy hoạch vùng… phù hợp với các FTA thế hệ mới…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới. Nay cần thay đổi tư duy từ thụ động sang chủ động, doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp FDI, tiếp thu thị trường, kênh phân phối, công nghiệp...

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện chính sách ưu đãi, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, tiêu chí và đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp FDI được ưu đãi thì phải thực hiện hiệu quả, cam kết đầu tư công nghệ cao, đảm bảo môi trường…

Trên quan điểm nêu trên, các bộ ngành, địa phương cần bổ sung cơ chế, chính sách, Bộ KHĐT hoàn thiện Báo cáo 30 năm thu hút FDI.

C.Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-khong-phai-nha-dau-tu-mang-gi-toi-ta-cung-nhan-d274245.html