Thủ tướng: Không tái cơ cấu sẽ tiếp tục tụt hậu

Ngày 2/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quang Hiếu

Cuộc họp nhằm phân tích, đánh giá kết quả sau một năm rưỡi triển khai chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết 27) thực hiện các Nghị quyết 05 của Trung ương, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đi mãi con đường cũ trong sản xuất, không thể phát triển được

Nghị quyết 27 của Chính phủ đưa ra 16 nhóm nhiệm vụ với 120 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các nhiệm vụ được thực hiện đúng thời hạn và đạt kết quả ở mức độ khác nhau. Có 25,8% nhiệm vụ có kết quả rõ ràng; 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tái cơ cấu kinh tế đã đạt được một số kết quả quan trọng như tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao hơn mức bình quân chung, quy mô nền kinh tế được mở rộng, năng suất tổng hợp, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo được cải thiện.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập, khó khăn, thách thức. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới. Giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc, cơ cấu nội bộ ngành chưa rõ nét, bền vững…

“Cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và đặt vấn đề, chúng ta đang tìm động lực mới cho tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019-2021? Dư địa nào cần phải làm? Người ta đang nói, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch là dư địa rất lớn. Còn dư địa nào lớn hơn nữa trong tăng trưởng?

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động rất khó lường về địa chính trị, thương mại và càng ngày càng trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, Nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ “kép”, một mặt, phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới, mặt khác phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước. “Giải quyết tích tụ yếu kém của nền kinh tế thực chất là cắt giảm các năng lực đã chết lâm sàng, ví dụ như 12 dự án yếu kém, các ngân hàng yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiệm vụ nhiều nhưng dư địa thực hiện lại rất hạn hẹp khi nợ công từ đầu nhiệm kỳ là 64,8%, sát trần nợ công Quốc hội cho phép, tỉ lệ trả nợ công trên thu ngân sách là 27,3% (giới hạn là 25%), nợ xấu ngân hàng thì cao, năng lực tổ chức tín dụng yếu kém, không còn dư địa cho đầu tư phát triển.

“Vừa rồi, tăng trưởng của cả nước chủ yếu đến từ việc khai thác các tiềm năng sẵn có chứ không có thêm từ ngân sách, tín dụng”, Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan rà soát lại các số liệu kinh tế để nhận định đúng bản chất tình hình.

Dẫn ví dụ khối đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp vào 20% GDP và 70% giá trị xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng theo ông Vương Đình Huệ, cần làm rõ trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp trong nước.

“Hãng sản xuất đồ thể thao Nike đã đạt tỉ lệ 90% nội địa hóa rồi, Samsung là 57%, trong đó cũng có cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nhưng cũng đều là giá trị quốc gia. Do vậy, ta không nên đánh giá chung chung là nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào FDI, phải làm rõ và đánh giá thỏa đáng số liệu này”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo nêu.

Nhận diện động lực cho tăng trưởng

Về động lực phát triển cho những năm tới, theo ông Vương Đình Huệ, phải đề cập tới phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển đô thị với các “đầu tàu” kinh tế; tăng cường thể chế về liên kết vùng; bổ sung chỉ số khung đánh giá kinh tế-xã hội nhất là các chỉ số đánh giá chất lượng tăng trưởng…

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu đạt được mục tiêu tái cơ cấu, có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025. Theo ông, có thể tìm thêm động lực tăng trưởng mới ngay trong nội tại nền kinh tế như thúc đẩy 3 đầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng vì 3 đầu tàu này tăng trưởng thêm 1% thì nền kinh tế tăng trưởng thêm 0,5%.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tái cơ cấu nền kinh tế phải phát huy vai trò của Nhà nước và cả thị trường. Thị trường phải có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tạo sự lành mạnh và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường.

Thủ tướng cho rằng, động lực để thực hiện tái cơ cấu là vai trò của thể chế, chính sách và pháp luật, “không có đòn bẩy này thì khó thành công”. Tiếp đó, là vai trò động lực của kinh tế tư nhân, của hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò động lực của khoa học, công nghệ mà nền tảng là giáo dục, đào tạo.

Cho nên, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, phải xác định công tác này là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành. Từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

“Đây cũng là yếu tố quyết định nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu. Nếu không tái cơ cấu sẽ tiếp tục tụt hậu", Thủ tướng nói và đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan với kết quả đạt được. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần tích cực hơn nữa, đôn đốc phối hợp giữa các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, để chủ trương tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hoàn thiện khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án do bộ, ngành được Chính phủ giao quản lý, tổ chức thực hiện, chứ không phải nói chung chung.

Bộ Công Thương có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường lao động, đánh giá tình trạng thất nghiệp, xử lý vấn đề lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thu-tuong-khong-tai-co-cau-se-tiep-tuc-tut-hau_t114c5n136943