Thủ tướng: Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội

Phát biểu kết luận tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra thông điệp 'không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội '.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu kết luận tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và thúc giục các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như từng doanh nghiệp, từng người dân hãy biến khát vọng này thành hành động cụ thể.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra thông điệp "không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội “.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành, địa phương cần quán triệt, triển khai ý kiến chỉ đạo mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương năm 2019 này.

Nhân lên khát vọng phát triển

Theo Thủ tướng, năm 2019 đã thực hiện đồng bộ và thành công, nhiều kết quả đáng mừng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thực hiện tốt hơn, cao hơn năm trước; đặc biệt mang lại những kết quả tốt đẹp cho đời sống của nhân dân, tiềm lực đất nước được khơi dậy, sức mạnh của đất nước tốt hơn.

Đó là kết quả phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và doanh nghiệp; sự kế thừa thành quả của 30 năm đổi mới.

Thủ tướng đánh giá có nhiều mô hình tốt, cách làm tốt, kỷ luật tốt được thiết lập ở các cấp. Cả nước cơ bản là tốt nên mới có kết quả tích cực trong năm 2019.

Người dân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã,... đều nỗ lực, quyết tâm. Những điểm sáng như vậy cần nhân rộng lên để tạo thành khát vọng phát triển.

Thủ tướng cho rằng: " Chúng ta đã làm được một số kết quả, nhưng không phải tất cả. Địa phương nào, bộ, ngành nào, đơn vị nào, doanh nghiệp nào chưa làm tốt thì phải thấy được mình đang ở đâu để khắc phục những tồn tại, yếu kém để vươn lên, làm tốt lên theo xu thế của đất nước".

Thủ tướng đưa ra dẫn chứng, một quả xoài xuất khẩu thì dịch vụ logistics tốn 50% trong giá trị xuất khẩu. Hay khả năng thiếu điện của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, vậy phải đưa ra chủ trương, biện pháp, chính sách để chủ động trong cung cấp điện.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, vậy phải tháo gỡ như thế nào để giải quyết vướng mắc trong phạm vi trách nhiệm của địa phương, cơ sở của mình?

Thủ tướng nêu lên một số vấn đề còn tồn tại như: giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ; vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là không khí, rác thải.

Hay một số vấn đề bức xúc của xã hội như: sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên, ma túy trong học đường, văn hóa ứng xử trong xã hội,...

"Chúng ta phải làm nhanh hơn, tốt hơn để khắc phục những tồn tại. Không để tình trạng tổng kết quý I đã chỉ ra rồi, đến nay lại như cũ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn báo cáo trực tuyến. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Nêu lên thông điệp về phương hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần mở rộng, bổ sung thông điệp "không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường” thành "không ví lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội” . Theo Thủ tướng, đây mới là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đích thực của Việt Nam.

Thủ tướng phân tích, môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại cũng không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội, văn hóa là trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm đến môi trường sống, môi trường văn hóa cùng với phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, kinh tế phát triển đồng thời môi trường văn hóa tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc phải được gìn giữ; hành vi ứng xử của mỗi công dân phải văn minh, nhân văn.

Ngoài ra, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là môi trường tốt để hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

"Ý đảng, lòng dân, tinh thần doanh nghiệp; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội và đảm bảo môi trường là công thức "3 trong 1" của thịnh vượng, phát triển bền vững của chúng ta" - Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp này.

Không thỏa mãn, không chủ quan

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không thỏa mãn, không chủ quan vì đất nước còn nhiều khó khăn rất lớn trong phát triển như: những vấn đề nội tại của nền kinh tế, biến đổi khí hậu, vấn đề biển đông, nguồn lực, kỹ năng lao động,...

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện, triển khai chủ trương, chính sách pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về môi trường kinh doanh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

"Hoàn thiện pháp luật thì phải chỉ ra là luật nào, nghị định nào, điều nào, điểm nào kìm hãm sự phát triển, chứ không phải nói chung là hệ thống pháp luật" - Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó là khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất; tận dụng tốt các tiềm năng, thế mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng.

Đồng thời là có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cân đối nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả, trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm, kiểm soát quyền lực nhất là với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Nhiều nơi kỷ luật không nghiêm nên chính sách rất nhiều nhưng tạo ra giá trị vật chất, tinh thần chưa đủ, thậm chí còn kìm kẹp. Văn bản địa phương chuyển lên bộ, ngành mấy tháng không có giải pháp, né tránh đẩy qua, đẩy lại. Bên cạnh đó công tác phối hợp là một khâu yếu.

Một nhiệm vụ nữa mà Thủ tướng yêu cầu là khơi dậy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân xây dựng đất nước hùng cường.

"Chúng ta không có khát vọng phát triển thì sẽ không thể thành công. Nếu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không có khát vọng phát triển trong từng cơ quan, đơn vị, từng địa phương thì khó thành công" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời là phát triển nhanh và bền vững, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của người dân; củng cố an ninh quốc phòng; thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Với các định hướng này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, xây dựng các kế hoạch cụ thể để làm rõ, phát triển ở địa phương, đơn vị.

Về nhiệm vụ trong dịp năm mới, Tết Canh tý 2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không để thiếu hàng trong dịp Tết; đảm bảo cho mọi người mọi nhà đều có Tết, nhất là người nghèo, hộ chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa; đặc biệt lưu ý đảm bảo an ninh, an toàn trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc lại Chỉ thị của Ban Bí thư về cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo; đồng thời yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị này./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thu-tuong-khong-vi-loi-ich-kinh-te-ma-danh-doi-moi-truong-van-hoa-van-minh-xa-hoi/143932.html