Thủ tướng kỳ vọng xuất khẩu dệt may đạt 100 tỷ USD vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của VITAS cũng như những thành tựu của toàn ngành dệt may trong thời gian qua và kỳ vọng ngành sẽ đạt được mức xuất khẩu 100 tỷ USD vào năm 2030.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, người lao động của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tận dụng được các cơ hội để góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam và đạt được những con số ấn tượng.

Sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã tăng 21 lần, thặng dự thương mại tăng 97 lần. Việt Nam từ 1 nước chưa có tên trên bản đồ thế giới về dệt may đã vươn lên là cường quốc xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Banglades. Với lực lượng lao động khoảng 3 triệu người, chiếm ¼ số lao động toàn ngành công nghiệp; thu nhập và phúc lợi ổn định, ngành dệt may Việt Nam đã góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông – lâm – ngư nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Đồng thời, góp phần vào xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hiệp hội có 487 hội viên chính thức, 500 hội viên liên kết, 7.000 doanh nghiệp dệt may, có mức tăng kim ngạch xuất khẩu tới 106 lần trong 20 năm qua.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội dệt may Việt Nam với chủ đề: Chủ động kết nối – phát triển bền vững, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS thông tin: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may Việt Nam năm 2019 dự báo đạt 39 tỷ USD, tăng 7,55% so với năm 2018. Trong đó, KNXK hàng may mặc đạt 30, 85 tỷ USD tăng 7,38%; xuất khẩu vải đạt 2,14 tỷ USD tăng 21,6% xuất khẩu xơ sợi ước đạt 4,09 tỷ USD, tăng 1,61% ; xuất khẩu vải không dệt đạt 600 triệu USD, tăng 13,21%; xuất khẩu nguyên phụ liệu (NPL) dệt may đạt 1,32 tỷ USD, tăng 8,22%. Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) NPL dệt may năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21% so với năm 2018, trong đó nhập khẩu vải đạt 13,5 tỷ USD, tăng 5,68% ; nhập khẩu phụ liệu dệt may đạt 3,86 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu bông đạt 2,6 tỷ USD, giảm 13,65% , nhập khẩu xơ sợi đạt 2,42 tỷ USD, tăng 0,04%.

Trong đó, VITAS là “đầu tàu” dẫn dắt ngành dệt may, hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ vướng mắc, hướng đến phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt kỳ vọng cao vào xuất khẩu dệt may

Tham dự Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của VITAS cũng như những thành tựu của toàn ngành dệt may trong thời gian qua. Hiệp hội đã làm đúng chức năng, vai trò, thể hiện tầm nhìn trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành, là cầu nối quan trọng giữa ngành với Chính phủ và cơ quan Nhà nước. Tích cực và chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thủ tướng nhìn nhận, với những kết quả đã đạt được ngành dệt may đóng góp quan trọng vào kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2019 là cán mốc 500 tỷ USD. Thủ tướng đặt ra 6 vấn đề với ngành dệt may. Thứ nhất, cần chú trọng hơn với thị trường trong nước do đây là thị trường tiềm năng, cách để phát triển bền vững ngành dệt may. Thứ hai, ngành dệt may cần tự chủ, tự cường về nguyên liệu, nhằm làm chủ và phát triển các công đoạn sản xuất. Thứ ba, khác phục tình trạng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc. Thứ tư, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động cho ngành. Thứ năm, tận dụng lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân công. Thứ sáu, khắc phục những bất cập trong tác phát triển Đảng ở các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS nhận Cờ thi đua cho Thủ tướng Chính phủ trao tặng

Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, ngành dệt may phải tạo ra thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu doanh nghiệp mang tầm khu vực và thế giới, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước. Thủ tướng đề nghị, đến năm 2030, dệt may Việt Nam phải phấn đấu xuất khẩu 100 tỷ USD và có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp vào thị trường thế giới. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành dệt may Việt Nam phải có hoài bão và quyết tâm như hai đội bóng đá vừa thành công tại SEA Games 30.

Cũng tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Cờ thi đua Chính phủ cho VITAS vì những đóng góp quan trọng của ngành dệt may cho ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.

Nguyễn Mai – Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-ky-vong-xuat-khau-det-may-dat-100-ty-usd-vao-nam-2030-129799.html