Thủ tướng: Lãi suất cho vay giảm chưa đáp ứng được kỳ vọng

'Năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu'...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 5 năm qua, ngành ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Mặc dù, năm 2020 Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%.

"Đặc biệt, tôi đánh giá cao các đồng chí nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5-2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực", Thủ tướng dành lời khen cho ngành ngân hàng.

Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp các bộ, ngành làm việc với các đối tác quốc tế để xử lý những vấn đề lớn đặt ra, không để tác động lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam như đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam; đánh giá của Bộ Tài chính Hoa kỳ và các cơ quan của Hoa Kỳ đối với Việt Nam...

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.

Đặt câu hỏi với các lãnh đạo ngân hàng là "năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào", "chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu", Thủ tướng cũng yêu cầu dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng, vì vậy Thủ tướng yêu cầu cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Còn không ít tồn tại, yếu kém và các sai phạm của các tổ chức tín dụng cần tiếp tục được chấn chỉnh và xử lý kịp thời, đặc biệt là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

"Chúng ta đã đạt thành công lớn nhưng không được chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh. "Các nhà nghiên cứu đều nói, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có thể diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ, có những phương án, đối sách phù hợp kịp thời".

Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thủ tướng đặt ra bài toán và yêu cầu đối với ngân hàng là vừa giảm thiểu nợ xấu gia tăng, vừa xử lý thành công nợ xấu tồn đọng, vừa bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức phát triển ổn định, bền vững, trong đó hướng đến mục tiêu có một số ngân hàng thương mại lọt vào tốp đầu các ngân hàng lớn nhất, chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất trong khu vực.

"Chúng ta có 49 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân với số dư tín dụng đến 9 triệu tỷ đồng, con số rất lớn nên phải giám sát, thanh tra thế nào", Thủ tướng đặt vấn đề.

Đào Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thu-tuong-lai-suat-cho-vay-giam-chua-dap-ung-duoc-ky-vong-20201226162606795.htm