Thủ tướng Libya bị ám sát, vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng thêm

Thoát chết sau vụ ám sát, Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibah đã hứa sẽ soạn thảo luật bầu cử mới để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng ở quốc gia Bắc Phi này.

Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibah

Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibah

Theo truyền thông địa phương và quốc tế, Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibah đã thoát khỏi một vụ ám sát vào ngày 9-2 khi đạn bắn trúng xe của ông. Một nguồn tin được hãng tin Reuters trích dẫn cho biết, sự việc xảy ra khi ông Dbeibah đang trên đường về nhà và đây là một vụ ám sát rõ ràng. Những kẻ tấn công được cho là đã bỏ trốn. Vụ việc được cho là xảy ra trong bối cảnh tranh chấp quyền kiểm soát đất nước giữa Quốc hội miền Đông và Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) của ông Dbeibah. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm ám sát ông Dbeibah có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị của Libya.

Thủ tướng tuyên bố không chấp nhận cuộc bỏ phiếu do Quốc hội miền Đông tổ chức vào cùng ngày nhằm thay thế ông. Quân đội đã huy động thêm máy bay chiến đấu và các trang thiết bị ở Thủ đô Tripoli trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc đấu tranh chính trị có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya đã bị chia cắt bởi phe miền Đông và miền Tây trong nhiều năm, mỗi bên được hỗ trợ bởi vô số dân quân và chính phủ nước ngoài.

Được Liên hợp quốc ủng hộ và phương Tây hậu thuẫn, ông Dbeibah - một doanh nhân quyền lực đến từ thành phố Misrata - đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 2-2021. Nhiệm vụ chính của ông là dẫn dắt Libya tiến tới hòa giải dân tộc và giám sát các cuộc bầu cử.

Một ngày sau vụ ám sát, ông Dbeibah nói với kênh truyền hình Libya Al Ahrar rằng, một dự luật tập trung vào bầu cử sẽ được trình lên Hạ viện, sau đó được chuyển tới hội đồng của Tổng thống để phê chuẩn. Libya dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào tháng 12-2021, nhưng tranh cãi giữa các phe phái và các cơ quan nhà nước về cách thức bầu cử đã khiến quá trình này sụp đổ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu. Gần 3 triệu người Libya đã đăng ký bỏ phiếu, sau đó tình trạng trì hoãn và tranh chấp chính trị đã khiến nhiều người tức giận.

Cuộc khủng hoảng chính trị của Libya trở nên trầm trọng hơn vào ngày 9-2 sau khi Quốc hội (có trụ sở tại thành phố Tobruk, miền Đông nước này) tuyên bố chọn cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới của đất nước. Cùng ngày, ông Bashagha đã từ Tobruk bay đến Thủ đô Tripoli, cam kết “mở ra một chương mới” và “tiếp cận với mọi người”.

Cảm ơn Thủ tướng Dbeibah vì làm tốt công việc của mình, Bộ trưởng Nội vụ 59 tuổi khi đến sân bay Mitiga nói rằng, ông “tin tưởng” rằng chính phủ sẽ “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ” và trao lại quyền lực. Cựu phi công và doanh nhân Bashagha được coi là một nhân vật quyền lực ở miền Tây Libya. Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Nội vụ từ năm 2018 đến đầu năm 2021, ông đã vun đắp mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Mỹ, Ai Cập và Nga - những quốc gia từng ủng hộ các đối thủ danh nghĩa của ông trong cuộc xung đột nội bộ Libya. Ông cũng được cho là có mối liên hệ với các lực lượng dân quân vũ trang ở thành phố phía Tây Misrata, những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Thủ đô trước cuộc tấn công năm 2019 của Tư lệnh miền Đông Khalifa Haftar.

Động thái của Quốc hội Libya được cho là sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại nước này. Ngày 10-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi “tất cả các bên nên tiếp tục giữ gìn sự ổn định ở Libya như là ưu tiên hàng đầu”. Ông Guterres nhắc nhở tất cả các thể chế hướng đến mục tiêu chính là tổ chức bầu cử quốc gia càng sớm càng tốt.

(Theo Al Jazeera/DW)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-libya-bi-am-sat-vong-xoay-khung-hoang-tram-trong-them-post495382.antd