Thủ tướng Malaysia thắng lớn trong chuyến thăm Trung Quốc

Kiên quyết hủy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng ở Malaysia nhưng không gây căng thẳng khi lại thuyết phục được Bắc Kinh xem xét lại các dự án này, đây được coi là những thắng lợi trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Thủ tướng Mahathir (phải) duyệt hàng quân danh dự - Ảnh: SCMP

Thủ tướng Mahathir (phải) duyệt hàng quân danh dự - Ảnh: SCMP

Khi tranh cử, Tiến sĩ Mahathir từng rất cứng rắn trong các lời chỉ trích Trung Quốc, thậm chí cáo buộc đàn em Najib Rajak đã “hiến chủ quyền lãnh thổ Malaysia” cho Bắc Kinh.

Ở cuộc bầu cử Quốc hội Malaysia ngày 9. 5, ông Mahathir đã thắng ông Najib thân Trung Quốc, dựa vào cáo buộc Quỹ Đầu tư Phát triển Malaysia Berdah (Quỹ 1MDB) do ông Najib lập đã bị “rút ruột” nghiêm trọng.

Cựu Thủ tướng Najib đã bị Ủy ban bài trừ tham nhũng Malaysia buộc 3 tội danh “rửa tiền”, trong cuộc điều tra vụ bê bối Quỹ 1MDB. Ông đã phủ nhận các cáo buộc và phải chờ ngày hầu tòa vào tháng 2.2019.

Ngay sau khi Tiến sĩ Mahathir trúng cử, giới hoạch địch chính sách ở Bắc Kinh lên ruột, vì ông Mahathir quyết định ngưng vài dự án cơ sở sở hạ tầng trị giá 20 tỉ USD mà Bắc Kinh đã tài trợ cho chính phủ Najib, nhưng ông Mahathir nghĩ là không cần thiết và quá tốn kém.

Thủ tướng Mahathir còn buộc tội ông Najib “quá lơi lỏng” khi cho phép các dự án mà Trung Quốc tài trợ. Năm 2016, ông Najib đã ký thỏa thuận để tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) nhận thầu xây Tuyến đường sắt phía đông bán đảo Malaysia (ECRL) dài 688km, trị giá 20 tỉ USD.

Công trình này đã khởi công từ năm 2017 và nếu hoàn thành, nó sẽ kết nối vùng biển phía đông bán đảo Malaysia với các tuyến vận tải biển chiến lược ở phía tây.

Nhưng dự án đã bị tạm ngưng để bàn chuyện “đội kinh phí” quá cao và các cáo buộc tham nhũng.

Ngày 4.7, chính phủ Thủ tướng Mahathir yêu cầu CCCC (được Trung Quốc “chống lưng”) phải cắt giảm mạnh chi phí “bị kê thủng nóc” lên hơn 22 tỉ USD.

CCCC nói với Reuters: hơn 1.800/2.250 nhân công thực hiện ECRL đã bị mất việc, sau khi tạm ngưng công trình.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng tạm ngưng hai tuyến ống dẫn dầu trị giá 3,2 tỉ USD do Cục Ống dẫn dầu Trung Quốc xây. Thủ tướng Mahathir cũng yêu cầu tạm ngưng dự án này, nói đơn vị thầu dính líu vụ bê bối Quỹ 1MDB.

Tiến sĩ Mahathir chưa là ‘tay nổi loạn’ chống Trung Quốc

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 22.8, dưới mắt các nhà quan sát chính sách đối ngoại, Thủ tướng Mahathir chưa là “tay nổi loạn” chống Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày của Tiến sĩ Mahathir đã thu hút sự chú ý xem ông có thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Kinh hay không, như ông đã thể hiện trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng ông Mahathir không hề tỏ thái độ khúm núm, ngược lại ông luôn vui vẻ và có phong cách đĩnh đạc khi gặp các lãnh đạo Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư.

Hôm 21.8, ngay tại Bắc Kinh, trước khi lên đường về nước, Tiến sĩ Mahathir lại tuyên bố với các nhà báo: chính phủ của ông quyết dừng dự án ECRL và dự án Trung Quốc xây một ống tuyến dẫn khí tự nhiên ở bang Sabah.

Nhưng ông Mahathir nhấn mạnh chỉ hủy hai dự án này cho đến khi nào Malaysia có thể đảm nhận thực hiện, chứ không vì thù ghét Bắc Kinh. Xuyên suốt chuyến thăm, vị chính khách 93 tuổi nói: “Không phải lỗi người Trung Quốc”, và quy trách nhiệm cho ông Najib.

Tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Mahathir cũng cho biết ở cuộc gặp các lãnh đạo Trung Quốc, ông đã không bàn chuyện Low Taek Jho, một nhà tài chính người Malaysia bị truy nã, vì có vai trò trong vụ tai tiếng “rút ruột” Quỹ 1MDB.

Tuần trước, báo Wall Street Journal cho rằng Low đang trốn ở Trung Quốc, và có thể Thủ tướng Malaysia sẽ đòi dẫn độ Low khi ông thăm Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đãi Thủ tướng Mahathir trọng thị - Ảnh : CNBC

Bắc Kinh đồng ý xem xét lại những bất đồng phát sinh

Trước chuyến đi Trung Quốc, ông Mahathir đã liên tục hứa bàn luận với lãnh đạo nước này, về những thỏa thuận “bất bình đẳng” mà người tiền nhiệm Najib đã có với Trung Quốc.

Báo New Straits Times ngày 21.8 cho biết Thủ tướng Mahathir đã đề cập vụ này với lãnh đạoTrung Quốc, và họ “thông cảm” những khó khăn của phía Malaysia.

Ngày 20.8, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc, Tiến sĩ Mahathir nói ông tin tưởng Trung Quốc sẽ “thông cảm” với những vấn nạn tài chính nội bộ” của Malaysia.

Thái độ hòa nhã cùng dáng đi thẳng lưng của Tiến sĩ Mahathir, 93 tuổi, xem ra đã trấn an những lo ngại của Bắc Kinh.

Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm 21.8: “Trong chuyến thăm, Thủ tướng Mahathir nói sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội cho Malaysia. Hai bên đều có lợi từ quan hệ thương mại và kinh tế, nhưng trong quan hệ hợp tác song phương, không thể tránh các rắc rối, các quan điểm khác biệt trong những giai đoạn khác biệt”.

Ông Lục Khảng còn nói những bất đồng này sẽ được giải quyết thích đáng, thông qua đàm phán hữu nghị, với mục tiêu duy trì quan hệ hữu nghị và chọn lấy một cái nhìn dài hơi: “Tôi có thể nói đã có một sự nhất trí quan trọng của cả hai nước, trong chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir”.

Ngoại trưởng Vương Nghị ra tận chân cầu thang đón Thủ tướng Mahathir - Ảnh: SCMP

Cuộc thuyết khách thắng lợi của Tiến sĩ Mahathir

Theo SCMP, giới quan sát quan hệ Malaysia - Trung Quốc nói chuyến thăm của Tiến sĩ Mahathir thành công, và hai bên đã tỏ thái độ sốt sắng kết nối, bỏ lại sau lưng những bất ổn hình thành sau khi ông Mahathir thắng cử ở Malaysia.

Giáo sư khoa chính trị Awang Azman Awang Pawi thuộc Đại học Malaysia, nói một trong các thắng lợi của Tiến sĩ Mahathir, chính là khả năng thuyết phục được Bắc Kinh rằng ông hành động chỉ vì để tránh cho Malaysia không bị lâm cảnh phá sản vì nợ nần.

Ông Awang nói: “Trung Quốc đã tỏ ra hiểu các vấn nạn mà Malaysia đang phải đối mặt sau khi chính phủ Najib ra đi, để lại một núi nợ quốc gia. Bắc Kinh có lẽ không muốn Malaysia bị phá sản”.

Sau khi nắm quyền lực, Thủ tướng Mahathir đặt việc giảm nợ Trung Quốc là mục tiêu trọng tâm của ông. Theo các quan chức của liên minh cầm quyền Pakatan Harapan của ông, tổng khoản nợ của Malaysia là hơn 1 ngàn tỉ ringgit (tiền Malaysia, tương đương 243 tỉ USD).

Ông Abdul Majid Ahmad Khan, chủ tịch Hội hữu nghị Malayia - Trung Quốc và từng là Đại sứ Malaysia ở Bắc Kinh, nói hai bên đã thể hiện tính thực dụng, bằng cách đồng ý hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm thương mại điện tử, tiền tệ, tăng cường mua - bán nông sản Malaysia.

Nhà phân tích cao cấp Shahriman Lockman, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ở Malaysia) nói chuyến thăm của Tiến sĩ Mahathir đạt kết quả quá tốt: “Có vẻ Bắc Kinh đã hiểu tình hình kinh tế Malaysia, giao việc tái đàm phán dự án cho các quan chức và công ty Trung Quốc liên quan. Nói chung đó là một chiến thắng của Thủ tướng Mahathir”.

Bắc Kinh rất cần lấy lòng Thủ tướng Malaysia

Ông Shahriman nhấn mạnh việc “Trung Quốc trải thảm đỏ đón chào Thủ tướng Malaysia là dấu chỉ Bắc Kinh sốt ruột lấy lòng ông”.

Bằng chứng: Tối 18.8, Ngoại trưởng Vương Nghị ra tận chân cầu thang đón vợ chồng Thủ tướng Malaysia, một cử chỉ thường chỉ dành cho lãnh đạo chính phủ; Chủ tịch Tập Cận Bình mở dạ yến chiêu đãi Thủ tướng Malaysia, trong khi lẽ ra Thủ tướng Trung Quốc có nhiệm vụ tiếp các thủ tướng nước ngoài đến thăm.

Bắc Kinh xem Malaysia, một quốc gia đa sắc tộc Đông Nam Á, là một phần chủ đạo trong dự án trọng điểm Vành Đai và Con Đường (BRI) của ông Tập.

Ông Trương Minh Lượng, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học Tế Nam (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh có lẽ vẫn sốt ruột muốn Malaysia trở lại với những dự án, vào lúc BRI đang bị nhiều thất bại: “Không có nhiều nước như Malaysia vốn không chỉ ủng hộ BRI, mà còn hợp tác với Trung Quốc về các dự án cơ sở hạ tầng. Việc Malaysia hủy các dự án sẽ có tác động tiêu cực đến uy tín của BRI”.

Ông nói Malaysia - Trung Quốc đều tỏ ra thực tế, tránh nói về các thỏa thuận và chuyện Biển Đông.

Nhà phân tích Shahriman từng dự báo khi Tiến sĩ Mahathir xem trọng vấn đề kinh tế, vụ tranh chấp Biển Đông sẽ được trao đổi qua loa: “Trong 45 phút và 60 phút hội đàm với Thủ tướng và Chủ tịch Trung Quốc, Tiến sĩ Mahathir không thể đi vào chi tiết, ngoài việc kêu gọi giữ yên tĩnh cho Biển Đông và Eo biển Malacca”.

Tiến sĩ Mahathir đã nói ông muốn tàu chiến Trung Quốc không đến vùng biển tranh chấp này, nhưng các nhà quan sát nói như vị tiền nhiệm, ông không muốn cứng rắn với Bắc Kinh về chuyện này, dù tàu tuần tra biển to bự của Trung Quốc thường đi vào vùng lãnh hải của Malaysia.

Trong tuyên bố chung, Malaysia - Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc để đạt tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/thu-tuong-malaysia-thang-lon-trong-chuyen-tham-trung-quoc-95136.html