Thủ tướng Merkel thoát hiểm: Chính trường Đức 'thở phào' nhẹ nhõm

Tối 2/7 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer và đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận về chính sách nhập cư. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Merkel thoát hiểm trong gang tấc.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Nội vụ Đức kiêm Chủ tịch CSU nhấn mạnh sau các cuộc thảo luận, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc làm thế nào để có thể ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại khu vực biên giới giữa Đức và Áo trong tương lai. Theo ôngHorst Seehofer, thỏa thuận trên cũng bao gồm các biện pháp tăng cường kiểm soát biên giới mà ông đã yêu cầu trước đó.

Theo thỏa hiệp đạt được, Đức sẽ thiết lập “các trung tâm trung chuyển” người tị nạn tại biên giới với Áo. Đây sẽ là nơi mà những người xin tị nạn đã đăng ký tại một quốc gia châu Âu khác sẽ lưu lại trong thời gian chờ đợi bị trục xuất về quốc gia nhập cảnh. Thỏa thuận trên cũng đồng nghĩa với sự kết thúc hoàn toàn chính sách “bao dung” với người nhập cư tại Đức, được Thủ tướng Merrkel đưa ra năm 2015.

Về tổng thể, thỏa thuận trên đáp ứng được một số yêu cầu từ cả hai phía. Phía CSU có thể ngăn chặn dòng người tị nạn thứ cấp đổ về Đức, còn phía Thủ tướng Angela Merkel sẽ đạt được mục tiêu là đưa tất cả các biện pháp này vào một điều kiện ràng buộc, đó là Đức phải ký thỏa thuận với các nước châu Âu khác. Đây là điều cốt lõi với bà Angela Merkel muốn đạt được bởi trước đó thì bà Merkel luôn lo ngại rằng bất cứ biện pháp cứng rắn đơn phương nào từ nước Đức cũng sẽ gây ra các hậu quả dây chuyền khó lường với toàn bộ Liên minh châu Âu.

Ông Horst Seehofer không từ chức giúp chiếc ghế Thủ tướng của bà Merkel được duy trì.

Do đó, phát biểu với báo chí, Thủ tướng Merrkel đã đánh giá đây là một “sự thỏa hiệp tốt”, đạt được sau nhiều ngày khó khăn và đàm phán căng thẳng. Đây cũng là vấn đề từng gây căng thẳng chính trường Đức trong suốt nhiều tuần qua, giữa Thủ tướng Merkel, Chủ tịch đảng trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, lãnh đạo đảng bảo thủ Liên minh Xã hội cơ đốc giáo. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết thỏa thuận vừa đạt được giữa đảng CDU của bà với đảng CSU của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer không những sẽ đảm bảo nguyên tắc tự do đi lại trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU) mà còn cho phép Berlin thực hiện các "biện pháp quốc gia" để hạn chế những người di cư. Như vậy tinh thần hợp tác trong EU vẫn được bảo tồn, đồng thời là một bước quan trọng để kiểm soát vấn đề di cư. Đây thực sự là một thỏa hiệp tốt sau nhiều ngày đàm phán khó khăn kéo dài.

Bản thân các thành viên đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của ông Horst Seehofer cũng cho biết, họ vẫn muốn liên minh với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel trong Chính phủ Đức. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, ông Alexander Dobrindt nhấn mạnh, định mệnh chung của hai đảng đã chứng minh giá trị khi phải đối mặt với thách thức. Trong khi Thủ hiến bangBayern (Đức), ông Markus Söder nói rằng, các thành viên đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo sẵn sàng thỏa hiệp. Đối với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, không có chuyện rời khỏi liên minh Chính phủ Đức hiện nay.

Đối với châu Âu thì việc bà Merkel và ông Seehofer đạt được thỏa thuận là một tin tốt lành bởi điều đó có nghĩa là các đảng CDU và CSU sẽ vẫn tiếp tục liên minh và nước Đức vẫn sẽ giữ được một sự ổn định chính trị tương đối. Điều này vô cùng quan trọng do Đức là nền kinh tế số 1 châu Âu và thực tế cho thấy là nếu nước Đức rơi vào bế tắc chính trị như cuối năm 2017 vừa qua thì hầu như toàn bộ các quyết sách lớn của Liên minh châu Âu cũng sẽ bị ngưng trệ.

Ngoài ra, việc bà Merkel buộc phải có thỏa thuận riêng với đảng liên minh CSU tại Đức cho thấy là rõ ràng thỏa thuận về tị nạn mà Liên minh châu Âu đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối tuần trước tại Brussels là rất mong manh và thiếu rất nhiều biện pháp cụ thể. Chính vì điều này nên các nước thành viên EU vẫn buộc phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khác nhau để giải quyết những lo ngại của riêng mình trong vấn đề tị nạn. Vì thế, về lâu dài, bắt buộc EU sẽ phải có các biện pháp có tính ràng buộc pháp lý và trách nhiệm chặt chẽ hơn là các biện pháo mang tính “tự nguyện” như hiện nay bởi EU có đến 28 thành viên và lợi ích của các nước này hoàn toàn khác nhau.

N.Quang

(Theo Euronews, BBC, Reuters)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-merkel-thoat-hiem-chinh-truong-duc-tho-phao-nhe-nhom-n145885.html