Thủ tướng: 'Mong APEC hỗ trợ ngăn nạn chuyển giá'

Ngoài vấn đề chuyển giá, Thủ tướng đề nghị các chuyên gia cấp cao làm việc (SOM) nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ nhằm kết nối các SME.

Tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC Việt Nam 2017 (SMEMM), sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác APEC.

Thủ tướng cho rằng, trong 30 năm đổi mới, từ một nước nghèo, đến 2010 Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Con đường phát triển của Việt Nam có vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC Việt Nam 2017. Ảnh: VGP

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của công nghệ số đang lan tỏa đến từng doanh nghiệp, người dân, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều quyết sách quan trọng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và "bao trùm".

"Mong muốn của Việt Nam là được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin, thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số", Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng, từ thực tiễn Việt Nam, ông mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, "tránh" nộp thuế,… của một số nhà đầu tư nước ngoài.

Điều mà Thủ tướng nêu được xem là thực trạng đáng lo của ngành thuế thời gian qua liên quan đến chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Trường hợp điển hình có những biểu hiện "đáng ngờ" về chuyển giá, phải nói đến Công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Do lỗ liên tục nên Coca-Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20 đến 30% mỗi năm.

Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm qua PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD)...

Ngoài vấn đề chuyển giá, Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị các chuyên gia cấp cao làm việc (SOM) nghiên cứu việc thành lập một Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường kết nối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng cho rằng cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh.

Thủ tướng cho rằng để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 4 giải pháp quan trọng. Thứ nhất là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ 2 là thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh. Thứ 3 là đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh.

Cuối cùng là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho SME trong khu vực, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

"Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư,…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hiện nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 57% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Sức mạnh của mỗi nền kinh tế APEC có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp và tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.

Nguồn VNE

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//thu-tuong-mong-apec-ho-tro-ngan-nan-chuyen-gia_n30348.html