Thủ tướng: Một số cơ quan trung ương chưa muốn phân cấp, phân quyền trong xây dựng pháp luật

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, việc phân cấp phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân. Trong đó, một số cơ quan trung ương chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật.

Trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phân cấp, phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu

Tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã gửi câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đại biểu Thành cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

"Xin Thủ tướng cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên", ông Thành đề nghị.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc phân cấp, phân quyền thì chủ trương đã rất rõ, phải tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp.

"Về nguyên lý là như vậy, tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận là như vậy. Chính quyền của chúng ta có chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã, ngoài ra còn có các các cơ quan gọi là cánh tay nối dài. Như vậy việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để chúng ta tăng tính linh hoạt, sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp", Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc phân cấp phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Về nguyên nhân, Thủ tướng cho biết, thứ nhất là, chưa thực hiện triệt để và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai là, các cơ quan trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật.

Thứ ba là, năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới. Do đó, phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn.

Thứ tư là, theo Thủ tướng việc đáp ứng các yêu cầu của người dân cũng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy, việc phân cấp, phân quyền cho đến giờ này có thể nói chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Về các giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế. Các cấp cũng phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Quy hoạch không tốt thì có cháy nổ là các phương tiện không vào được

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm thời gian qua đó là công tác phòng cháy, chữa cháy đã được ĐBQH Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa gửi đến Thủ tướng. Cụ thể: Thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. "Xin Thủ tướng cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?", bà Mẫn đề nghị.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đã được chứng kiến những vụ cháy nổ rất thương tâm, từ karaoke và gần đây là chung cư mini, tình trạng này nhận diện ra và thực trạng cũng đã biết. Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cũng đã có những hành động để góp phần phòng chống, ngăn chặn việc này cụ thể. Ví dụ như đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị để triển khai.

Để công tác phòng cháy, chữa cháy có hiệu, Thủ tướng cho rằng có một số việc cần phải làm, trong đó: Một là, làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân là rất quan trọng. Trong đó, để người dân phải hiểu biết và tham gia vào phòng cháy, chữa cháy. Tiếp đó là kỹ năng khi có cháy xảy ra. Theo đó, phải có kỹ năng phòng và phải có kỹ năng chống.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. "Vừa qua, chúng tôi cũng cho họp mấy cuộc để đánh giá lại chỗ nào cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân, hệ thống chính trị vào cuộc thì chỗ đó tốt", Thủ tướng cho biết.

Ba là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.

Bốn là, phải đầu tư cơ sở vật chất cho ngành này khi có vấn đề thì có thể xử lý được.

Năm là, vấn đề quy hoạch, vấn đề xây dựng, vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chí là rất quan trọng. Thủ tướng cho rằng, cần phải hoàn thiện và việc này Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt. Vì nếu quy hoạch mà không tốt thì nếu có cháy nổ là các phương tiện không vào được. Phải quy hoạch cả phương tiện giao thông, quy hoạch cả vấn đề sử dụng nguồn nước khi phòng cháy, chữa cháy.

Sáu là, sự tham gia của người dân, của tổ dân phố.

Bảy là, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải vào cuộc, vừa phòng, vừa chống.

Tám là, phải hiện đại hóa các lực lượng nòng cốt phòng cháy, chữa cháy này.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-mot-so-co-quan-trung-uong-chua-muon-phan-cap-phan-quyen-trong-xay-dung-phap-luat-post271627.html