Thủ tướng Na Uy: Thủy sản Việt Nam cũng rất được ưa chuộng ở châu Âu

Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, trưa nay 18/10, giờ địa phương (chiều 18/10, giờ Việt Nam), tại Cung điện d'Egmont, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là diễn giả thứ 2 phát biểu sau Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu (AEBF) lần thứ 16.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg

Thủ tướng Na Uy khẳng định, thương mại sẽ giúp cho mọi người có thêm công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập, do vậy, “chúng ta cần tiếp tục hợp tác với nhau để thúc đẩy thương mại”.

Nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dẫn câu nói của nhà bác học Albert Einstein: “Học từ quá khứ, sống cho hiện tại, hy vọng vào tương lai. Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”, Thủ tướng Na Uy bày tỏ “chúng ta cũng nói về hy vọng cho tương lai”.

Nhấn mạnh Na Uy là một quốc gia biển, Thủ tướng Erna Solberg tập trung phát biểu vào vấn đề biển “vì chúng tôi đang phải xử lý những thách thức liên quan tới hợp tác cả Na Uy và châu Á. Chín trong số 10 quốc gia biển lớn nhất thế giới là thành viên của ASEM, do vậy, chúng ta là những đối tác tự nhiên của nhau”.

Chúng ta cần môi trường biển lành mạnh để tạo công ăn việc làm và sinh kế. Ngày hôm nay, chỉ khoảng 5% lương thực đến từ biển và không thể đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo cùng cực mà không tăng tận dụng được thủy sản. Và theo Thủ tướng Na Uy, thủy sản Việt Nam cũng rất được ưa chuộng ở châu Âu.

Bà Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển nền kinh tế biển bền vững thì không được làm suy thoái hệ sinh thái biển và “cuối cùng thì hành động mới là quan trọng”. Theo đó, bà cho biết, Na Uy đã thành lập một ủy ban quốc tế cấp cao với sự tham gia của nhiều lãnh đạo chính phủ để thúc đẩy một hiệp định mới, một thỏa thuận mới bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích tối đa cho con người. “Chúng tôi cũng cam kết thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có bảo vệ biển và đại dương trong nỗ lực chung toàn cầu”.

Thủ tướng Na Uy cảnh báo, “rất nhiều sản phẩm chúng ta mua có nhựa, túi nylon, sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường biển và trong thời gian tôi phát biểu trước các bạn ở đây có khoảng 75 tấn rác thải từ nhựa bị đổ ra biển”.

Thủ tướng Na Uy cho rằng, với tư cách hiệp hội kinh doanh, các doanh nghiệp có thể là một phần của vấn đề và có thể trở thành một phần của giải pháp “vì các bạn cũng là những người sử dụng những sản phẩm từ nhựa”. Do vậy, bên cạnh những hành động trong nước, Na Uy cũng đang thúc đẩy những diễn đàn như này để thiết lập một quỹ tín thác ở Ngân hàng Thế giới (WB) để thúc đẩy các dự án ngăn ngừa ô nhiễm biển.

Bà bày tỏ hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng các chính phủ nỗ lực để đạt được những mục tiêu về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và cũng như mục tiêu cắt giảm 1/2 phát thải khí nhà kính từ các hoạt động hàng hải vào năm 2050 với mục tiêu cuối cùng là giảm xuống 0%. “Chúng ta không thể tiếp tục kinh doanh những phương thức trước đây, do vậy ngành hàng hải cần phải đầu tư những công nghệ phát thải ít hoặc không phát thải, những công nghệ sáng tạo sẽ rất cần thiết”. Bà hy vọng sẽ có những con tàu được đóng trên cơ sở những công nghệ thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đồng thời đáp ứng được nhu cầu về hàng hải ngày càng gia tăng.

“Nếu muốn gia tăng thương mại thì phải cải thiện cách mà chúng ta đang vận chuyển hàng hải. Vận tải biển xanh cũng đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp". Bà dẫn chứng, những năm 1950, lần đầu tiên Na Uy có 1 chiếc phà chạy điện và ngày hôm nay, hơn 70 chiếc phà chạy điện đang được sử dụng, ở quy mô toàn cầu, hơn 240 tàu chạy điện được sản xuất. Tuy nhiên, con số này không dừng ở đó, những hoạt động vận tải biển đang tận dụng những công nghệ lai giữa pin và nhiên liệu và đến năm 2021, bà kỳ vọng Na Uy có chiếc phà đầu tiên chạy bằng điện và khí hydro.

Điểm quan trọng nữa, doanh nghiệp là lực đẩy rất mạnh cho việc chuyển đổi hướng tới ngành vận tải biển xanh cũng như nền kinh tế biển bền vững. Các chính phủ cũng phải hỗ trợ thông qua các khung chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp thì cần sẵn sàng tận dụng các cơ hội có được nhờ những công nghệ xanh hơn. Không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết những vấn đề liên quan tới biển, do vậy hợp tác giữa các bên sẽ rất cần thiết.

“Chúng ta cần phải phối hợp với nhau. Tôi tin rằng hợp tác quốc tế để làm sạch đại dương sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta”, Thủ tướng Erna Solberg nói. “Tôi muốn chia sẻ những tri thức của chúng tôi và cũng muốn học hỏi của các bạn. Chúng tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau đi con đường này để hướng tới vận tải hàng hải xanh, cùng với các bạn theo mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta phải hợp tác với nhau, là cách duy nhất để đạt được mục tiêu này”.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/thu-tuong-na-uy-thuy-san-viet-nam-cung-rat-duoc-ua-chuong-o-chau-au/349879.vgp