Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Liên minh Đổi mới Sáng tạo phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề 'Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam'. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế.

Hội nghị nhằm làm rõ vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) như là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KTXH), đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể cho Việt Nam. Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp nhận được sự tham vấn của các chuyên gia đến từ các quốc gia, tổ chức hàng đầu quốc tế về ĐMST cho định hướng phát triển KTXH của Việt Nam, trong đó KHCN và ĐMST gắn với nền kinh tế số trong tương lai được xác định là một trụ cột mới. Hội nghị là điểm nhấn của Tuần lễ KHCN và ĐMST quốc gia của Việt Nam diễn ra từ ngày 13 đến 17-5.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt một câu hỏi: Trên hành tinh này có thứ tài nguyên nào khi càng khai thác sẽ càng nảy nở? Đồng thời trả lời: đó chính là chất xám, là sự sáng tạo. Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”. Thủ tướng đánh giá cao Bộ KHCN cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển quốc tế lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tại Việt Nam về chủ đề rất quan trọng. Hội nghị là sự kiện quan trọng để Chính phủ tham vấn ý kiến tâm huyết từ các tổ chức tư vấn quốc tế, KTXH 10 năm 2021-2030, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành, tổ chức, DN trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng KHCN và ĐMST như một đột phá cho phát triển KTXH.

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là gì? Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta. Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở. Trong DN hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.

Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, Thủ tướng tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước. Chỉ số ĐMST Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp hai bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28). Các lĩnh vực khoa học tự nhiên Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học luôn đạt vị trí tốp đầu ASEAN. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả ĐMST, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức KHCN của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, DN Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho KHCN, đổi mới, sáng tạo và đã đạt được kết quả tương xứng.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển KHCN và ĐMST của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KHCN và ưu tiên chi cho KHCN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí.

Các DN cũng cần hiểu rằng, đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Trong bối cảnh hội nhập, mức độ canh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn đòi hỏi phải đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ, bao gồm R&D. Việc nâng cao năng lực ĐMST trở nên cấp thiết để DN Việt Nam có thể giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích DN hăng hái đầu tư cho R&D chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói.

Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy R&D khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác địnhKHCNvà ĐMST phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển KTXH. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KHCN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KHCN và ĐMST.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương cần nhân cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển KHCN, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống ĐMST quốc gia với DN là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với DN nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ năm vấn đề lớn:

Một là, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy ĐMST trong khu vực DN. Coi DN là trung tâm của hệ thống ĐMST. Phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong DN.

Hai là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho ĐMST. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu DN, nhu cầu của nền kinh tế.

Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới ĐMST trong và ngoài nước.

Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống ĐMST và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động ĐMST.

Năm là, tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin...

Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, của hoạt động các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động KHCN. Đề nghị ngành thống kê nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động KHCN và các hoạt động ĐMST theo các chuẩn mực quốc tế để có thể so sánh. Gắn các chương trình tài trợ nghiên cứu của Nhà nước với việc ứng dụng thực tế và thương mại hóa sản phẩm. Để tránh nghiên cứu rồi “cất vào tủ”, dành một phần ngân sách để thưởng cho các dự án được đưa ra ứng dụng trong thực tế.

Cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về KHCN và ĐMST. Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Chú ý đặc biệt đề xuất những giải pháp không theo khuôn mẫu. Chúng ta muốn thúc đẩy ĐMST thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo.

Áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) nhằm khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ĐMST. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở KHCN và ĐMST.

Ngay sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển KHCN và hoạt động ĐMST, bao gồm quỹ phát triển KHCN của DN; khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và ĐMST, nhất là từ DN; Trình Thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Bộ KHCN cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả KHCN vào phát triển KTXH. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về KHCN và ĐMST; nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KHCN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam.

Thủ tướng mong rằng, mỗi bộ, ngành, địa phương, tổ chức, DN bắt tay vào hành động cụ thể, từ việc có các hoạt động thúc đẩy sáng kiến cải tiến, ĐMST; đồng thời, đầu tư và sử dụng hiệu quả KHCN, ĐMST như là một đột phá phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng cũng mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Australia, Ngân hàng Thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác đối với việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam, hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng nhân dịp sắp tới Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cộng đồng khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước, các nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; chúc ngành KHCN Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và có nhiều kết quả cụ thể đóng góp vào sự phát triển KTXH của đất nước, đạt được nhiều thành tựu mới hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KHCN.

Việt Nam và Australia có chung hoài bão phát triển kinh tế thông qua việc ứng dụng KHCN và ĐMST. Đó là nền tảng vững chắc làm cơ sở cho quan hệ đối tác ĐMST giữa hai nước. Australia cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để chia sẻ tri thức, chuyên môn và các mô hình thành công của Australia, giúp tăng cường hệ thống KHCN và ĐMST của Việt Nam.

Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam

Khi Việt Nam tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á, việc phối kết hợp cùng nhau giữa các bên liên quan gồm Chính phủ, các chủ thể của khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển trở nên vô cùng cần thiết giúp tối đa hóa các tác động tích cực của tiến bộ công nghệ.

Alexis Bonnell - Giám đốc Đổi mới sáng tạo, USAID

Tin: THANH GIANG. Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40197702-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-chu-tri-hoi-nghi-quoc-te-ve-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao.html