Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam

Ngày 5-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2018 với chủ đề 'Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới'. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2018.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Diễn đàn. Cùng dự có đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, các chuyên gia, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển.

Diễn đàn VRDF được tổ chức lần đầu tiên này là bước kế thừa và phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (Hội nghị CG) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) được tổ chức hằng năm suốt 25 năm qua. Diễn đàn sẽ là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội, khuyến nghị và đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo những chuyển biến rõ nét, căn bản trong các hành động chính sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ giành cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.

Thủ tướng vui mừng khi Diễn đàn lại bắt đầu sang một trang mới với tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. Điều này cho thấy sau hơn 25 năm, đây là dấu mốc chuyển mình của Việt Nam từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong mỗi bước đi trên hành trình này, Việt Nam luôn có được sự ủng hộ và đồng hành đáng tin cậy của những đối tác, nhà tài trợ. Không chỉ nguồn lực mà ngay chính niềm tin, sự khích lệ và cổ vũ của quý vị cũng là động lực đối với sự phát triển của Việt Nam, và chính niềm tin đó cũng là thành quả của Việt Nam trên chặng đường hội nhập phát triển.

Tăng trưởng liên tục đạt mức cao, bình quân 6,63%. Năm 2018, GDP dự kiến tăng khoảng 7%; thu nhập bình quân khoảng 2.540 USD/người (tính theo sức mua tương đương hơn 7.200 USD). Cùng với kinh tế phát triển, Việt Nam cũng rất thành công trong giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo nếu tính theo tiêu chuẩn cũ với mức chi tiêu dưới 1,9 USD/ngày/người thì chỉ còn 2% vào năm 2017; nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì con số này là 9,8%. Tuổi thọ bình quân người Việt Nam đạt hơn 76 tuổi, trong khi bình quân thế giới là 72 tuổi, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 74,5 tuổi.

Như chúng ta đều biết, để chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng, một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ càng là thử thách đầy khó khăn không kém. Nếu chúng ta không làm được điều này thì những thành quả chúng ta đạt được trong mấy thập niên qua sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa. Chúng tôi thừa nhận rằng, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện ba điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây.

Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành với Việt Nam trong thời gian tới, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa.

Chúng ta đang sống trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, nhưng còn thiếu vững chắc, thương mại tiếp tục tăng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và đời sống. Đồng thời cũng có nhiều lo ngại về sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, chiến tranh thương mại, xung đột và căng thẳng chính trị ở một số nơi trên thế giới, biến động khó lường của giá dầu mỏ, cạnh tranh địa chính trị tại khu vực ngày càng phức tạp... ảnh hưởng đến những chính sách phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăngtrưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đã đạt mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng hùng cường, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai, mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Có khát vọng, có niềm tin vào tương lai nhưng chúng tôi cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hóa Tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế cũng như từ môi trường quốc tế đầy cạnh tranh và bất ổn.

Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết ba điểm nghẽn để chuyển hóa thành ba đột phá chiến lược thật sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Việt Nam đang rất cần các đối tác phát triển cùng đồng hành, hỗ trợ để thực hiện thành công mục tiêu này.

Thứ nhất, về vấn đề thể chế: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng 2018 về chất lượng thể chế của Việt Nam ở vị trí 94/140. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ở thế bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng phải tìm ra cách làm hiệu quả hơn, tốt hơn. Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách. Tập trung chuyển đổi chính phủ số, trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hóa và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính.

Thứ hai, về chất lượng nguồn nhân lực: Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Hiện Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0). Chúng tôi luôn hiểu rằng, con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Con người và công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa phải tương thích với nhau. CMCN 4.0 sẽ không còn ý nghĩa nếu chúng ta thiếu vắng con người 4.0.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng: Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng đã được cải thiện nhiều nhưng nhìn chung tính đồng bộ, kết nối còn hạn chế, cần tìm mọi giải pháp khơi thông mọi nguồn lực, tạo lập các cơ chế sáng tạo trong hợp tác công - tư để gia tăng nhanh chóng năng lực kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển, nhất là trong kết nối vùng miền, các cụm kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, chúng tôi ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.

Đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, các chuyên gia, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tham dự hội nghị.

Bên cạnh sự tiếp nối ba đột phá nêu trên, để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm hai đột phá mới, coi đó là hai động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.

Một là, thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0: Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá. Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như bây giờ.

Thủ tướng khẳng định, đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển.

Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần có những chính sách phù hợp, trong đó tập trung vào: hoàn thiện môi trường pháp lý, thực thi về sở hữu trí tuệ; tiếp theo là hoàn thiện các thể chế thị trường về khoa học công nghệ; tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cá nhân hoạt động sáng tạo; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, nguồn ngân sách nhà nước. Song song với nó là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Có ý tưởng tốt thôi chưa đủ, ý tưởng đó cần phải được “ươm tạo” trong các vườn ươm, tạo môi trường để phát triển và biến các start-up này thành doanh nghiệp (DN) tầm cỡ, đem lại giá trị cao cho nền kinh tế.

Hai là, thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân: Chúng ta cần phát huy sâu sắc vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Thủ tướng cũng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động. Các DN ngành có sức trở mình lớn, không bị vướng nhiều ràng buộc về thể chế và quy mô.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng một triệu DN, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và Khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên - cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các DN thế hệ mới. Hiện nay, Việt Nam đang hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ và mong muốn các đối tác phát triển hãy cùng đồng hành với các bạn trẻ chúng tôi trên bước đường khởi nghiệp và cùng ghi dấu ấn thành công.

Trong Diễn đàn này, Thủ tướng muốn nhấn mạnh đến con đường nào trong điều kiện hiện tại để Việt Nam có được khu vực tư nhân “khỏe” và “mạnh" không phải ở số lượng DN nhiều mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Cải cách thể chế là đương nhiên, nhưng nếu chỉ viện lý do là thể chế thì chưa thuyết phục. Điều này, Chính phủ sẽ phải lắng nghe để có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.

Diễn đàn ngày hôm nay đã thảo luận và cho ý kiến rất nhiều về việc nhận diện các động lực tăng trưởng mới cũng như phân tích, khuyến nghị những giải pháp, hành động cần thực hiện để phát huy các động lực đó.

Phát huy các kết quả đạt được trong năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị chương trình phát triển kinh tế, xã hội cho năm 2019, với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn có tính đột phá và hiệu quả hơn hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 2020.

Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những biện pháp, hành động mạnh mẽ hơn. Từ năm 2019, Chính phủ cũng chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng đã vạch ra trước Quốc hội mới đây. Những vấn đề thảo luận, khuyến nghị tại Diễn đàn của chúng ta sẽ rất hữu ích cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nêu trên và đóng góp trực tiếp cho quá trình điều hành, quản lý phát triển kinh tế, xã hội trong những năm sắp tới.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ liên quan, tổng hợp các phát hiện, đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn này, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo hoàn thiện những cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp cụ thể phát huy những động lực phát triển hiệu quả, thiết thực. Hơn ai hết, Việt Nam nhận thức được ý nghĩa và giá trị đối với những khoản hỗ trợ của các đối tác cho sự phát triển; Việt Nam mong muốn sớm trở thành một đối tác có đóng góp tích cực và hỗ trợ trở lại các nước kém phát triển hơn trong những thập niên tới. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của quý vị để hành động hướng tới sự thịnh vượng và bền vững của Việt Nam.

* Ngay sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã bước vào các phiên thảo luận với chủ đề: Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh; Động lực tăng trưởng mới: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và Phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

THANH GIANG. Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38475402-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-du-dien-dan-cai-cach-va-phat-trien-viet-nam.html