Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Kinh tế T.Ư

* Gặp mặt lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúngNgày 17-1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại buổi gặp mặt lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại buổi gặp mặt lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng. Ảnh: TRẦN HẢI

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; các đồng chí Bí thư T.Ư Ðảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phan Ðình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư chủ trì hội nghị.

Năm 2019, Ban Kinh tế T.Ư đã hoàn thành xây dựng tám đề án được giao theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất về một số chủ trương, chính sách lớn của Ðảng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội; phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến chuyên môn về nhiều đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành T.Ư, địa phương. Các sự kiện, diễn đàn do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì tổ chức trở thành nơi quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nhân giỏi ở cả trong nước và nước ngoài để đối thoại, trao đổi về chính sách, chiến lược và đề xuất với Ðảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, tinh thần làm việc quyết liệt của Ban Kinh tế T.Ư. Các chủ trương, đường lối được Ban Kinh tế T.Ư tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành trong năm 2019 không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững mà còn góp phần tăng cường vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Ðảng về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cho việc xây dựng Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới tư duy về phát triển, tư duy quản lý, được thể hiện trong các nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các Nghị quyết 10, 11 và 12 của Hội nghị T.Ư 5 và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế T.Ư tăng cường phối hợp với Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Nghị quyết về kinh tế tư nhân và các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng về kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng xây dựng các đề án; bám sát thực tiễn với tinh thần chủ động, sáng tạo. Ban Kinh tế T.Ư cần phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghệ. Ban cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mang tầm chiến lược, chú ý đến các vấn đề hệ trọng như biến đổi khí hậu; chiến lược công nghiệp hóa; phát triển kinh tế biển; tận dụng cơ cấu dân số vàng cho phát triển; tìm lời giải cho vấn đề phát triển kinh tế số; nghiên cứu chiến lược xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc khu kinh tế; quản lý đất đai; quản lý đô thị… nhằm xây dựng nền kinh tế tự cường trong điều kiện mới.

Chiều 17-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo một số tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng. Cùng dự có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Ðức Ðam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi các lãnh đạo, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng; khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng.

Thủ tướng nêu rõ một số hạn chế, bất cập như sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vai trò công tác này. Công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng chưa theo kịp tình hình; cơ chế, quy định của các cơ quan chưa thống nhất. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; hạn chế về kinh phí hoạt động; chưa thu hút được người có năng lực tham gia... Thủ tướng cho rằng cần dành kinh phí cho các hoạt động này, nhất là công tác dân vận.

Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để làm cầu nối giữa Ðảng với nhân dân. Tiếp tục chú trọng vận động bà con Việt kiều hướng về Tổ quốc, nhất là tri thức Việt kiều trẻ; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tăng cường quản lý, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Ðảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng luôn nỗ lực làm tròn chức năng, trách nhiệm, đóng góp vào việc hoàn thành toàn diện công cuộc phát triển đất nước, tăng cường củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42980602-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-du-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-nam-2020-cua-ban-kinh-te-t-u.html