Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau'

Ngày 28-12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương trong cả nước, bên cạnh ghi nhận, biểu dương những kết quả khá toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 'Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, mục tiêu xuyên suốt là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau'.

Ngày 28-12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương trong cả nước, bên cạnh ghi nhận, biểu dương những kết quả khá toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, mục tiêu xuyên suốt là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau".

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì Hội nghị.

Tăng trưởng cao nhất 10 năm qua

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên những con số ấn tượng đã đạt được trong năm qua. Theo Thủ tướng, kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế nước ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm %, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, nước ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục đã xác lập được. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á thì chất lượng tăng trưởng của nước ta cũng có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. “Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống...

“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”, Thủ tướng vui mừng nói.

Theo Thủ tướng, tinh thần của Hội nghị lần này sẽ không chỉ là sự tổng kết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2018, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 mà cần soi chiếu lại tất cả hành trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bởi lẽ những thành quả đạt được của năm 2018 chính là kết quả của những chính sách, những hành động đã được thực hiện ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, kế thừa cả những thành quả đã đạt được trước đó và tương tự những gì chưa đạt được cũng sẽ là sự phản ánh những tồn tại và yếu kém của toàn bộ quá trình, đòi hỏi phải xem xét một cách khách quan, tổng thể và có tính hệ thống.

“Mặc dù những con số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng… Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị.

Năm 2019 là năm bứt phá

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2019 (Nghị quyết 01) để các bộ, ngành và địa phương đóng góp ý kiến hoàn thiện.

Phó Thủ tướng cho biết, với phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đặt ra 4 trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong năm 2019 để kinh tế - xã hội của đất nước bứt phá, thực hiện thành công kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016- 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Với mục tiêu tổng quát nêu trên, Chính phủ đề ra 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát, các trọng tâm chỉ đạo điều hành và các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của Quốc hội giao, Dự thảo Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

D.HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_200322_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-khong-de-mot-nguoi-da.aspx