Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để 'thảm họa kép' xảy ra

Thủ tướng cho rằng, những vùng bị bão lũ, thiên tai thì thường gặp những bệnh truyền nhiễm sau lũ, nhất là dịch tả. Vì vậy, ngành y tế phải có chỉ đạo để bảo đảm tính sẵn có về xét nghiệm Covid-19 ở vùng này, không được để 'thảm họa kép' xảy ra; đủ năng lực ứng phó không chỉ dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19

Chiều 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế (tính đến 10 giờ ngày 19-10), đến nay, thế giới ghi nhận hơn 40 triệu trường hợp mắc; 1,1 triệu trường hợp tử vong do dịch Covid-19 tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế giới những ngày qua, mỗi ngày ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm, chỉ khoảng 2 ngày, thế giới đã tăng hơn 1 triệu ca nhiễm.

Tại châu Âu, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trong tuần qua đều ở mức hơn 140.000 ca, cao hơn số ca nhiễm mỗi ngày của cả 3 nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch là Mỹ, Brazil và Ấn Độ cộng lại.

Tính đến ngày 19-10, Việt Nam bước sang ngày thứ 47 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Từ 4-2020 đến nay, đã thực hiện 221 chuyến bay với tổng số 46.058 công dân Việt Nam được đưa về nước, trong đó có 212 người dương tính trên 43 chuyến bay. Về chuyến bay thương mại, đã thực hiện 2 chuyến, đều từ Hàn Quốc.

Bộ Y tế cho rằng, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Mặt khác, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành khi gần 50 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực khi thủ đô nhiều nước gặp tình trạng lây lan dịch ra cộng đồng những ngày qua; mùa đông tới tạo thuận lợi cho dịch Covid-19 lây lan rộng.

Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan trong mọi trường hợp; mọi cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại.

“Không đề cao cảnh giác, không có biện pháp mạnh, cương quyết thì dễ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nhất là khi mùa đông cận kề”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân một lần nữa nhận thức rõ hơn nguy cơ dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “Thông điệp 5K”, nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch. Quản lý tốt các cơ sở cách ly, nhập cảnh lưu trú tại các cơ sở lưu trú có thu phí, không để xảy ra mất an toàn.

Thủ tướng cũng lưu ý tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép. Các đơn vị có liên quan yêu cầu người nhập cảnh ngắn ngày, hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội, các dịch vụ công cộng nói chung.

Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương từ Trung ương đến các xã, phường, thị trấn phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt trong mùa đông này. Nếu có xuất hiện một ca nào đó thì thần tốc, thần tốc hơn nữa để khoanh lại, không được lây lan ra cộng đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đối với TP Hà Nội, TPHCM là phải đeo khẩu trang ở đám đông, ngoài đường phố, ở phương tiện công cộng; tất cả các địa phương đều phải được phổ biến những thông tin cần thiết phòng chống dịch bệnh, trước hết là khi đi ra ngoài đeo khẩu trang như thế nào, rửa tay sát khuẩn khi tiếp xúc như thế nào...

Thủ tướng cho rằng, những vùng bị bão lũ, thiên tai, thì thường gặp những bệnh truyền nhiễm sau lũ, nhất là dịch tả. Vì vậy, ngành y tế phải có chỉ đạo để bảo đảm tính sẵn có về xét nghiệm Covid-19 ở vùng này, không được để “thảm họa kép” xảy ra; đủ năng lực ứng phó không chỉ Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ vướng mắc cho các gói hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, hiện đang triển khai chậm, người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận, mặc dù Thủ tướng đã có kết luận về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa công bố được. Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương chỉnh sửa sớm, trình Thủ tướng; các thủ tục cần ngắn hơn, đơn giản, thuận lợi hơn nữa.

“Mở cửa về kinh tế nhưng yêu cầu phải kiểm soát kỹ lưỡng, đúng người, đúng việc, mọi đơn vị được giao phải có phương án”, Thủ tướng chốt lại.

Lãnh đạo Lào và Thái Lan điện thăm hỏi tình hình lũ lụt ở Việt Nam
Được tin các cơn bão số 6 và số 7 gây ra nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền Trung nước ta, ngày 19-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Bức điện có đoạn viết: “Tôi rất lo lắng được tin liên tiếp các cơn bão số 6 và số 7 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung của Việt Nam, đã và đang gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào, tôi xin gửi tới đồng chí, và qua đồng chí gửi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em và các gia đình bị ảnh hưởng lời thăm hỏi chân thành và sâu sắc nhất. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và sự quan tâm của đồng chí, đất nước Việt Nam anh em sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện nay, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân tại các vùng bị ảnh hưởng. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn ở bên cạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em trong thời điểm khó khăn này và luôn đề cao truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam”.

Cùng chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại do bão lụt gây ra, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Thái Lan Don Pramudwinai đã gửi điện chia buồn tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong các bức điện này, lãnh đạo Thái Lan gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam ở những vùng bị thiệt hại do lũ lụt và sạt lở đất, đồng thời bày tỏ tin tưởng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ sớm vượt qua thử thách này.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-khong-duoc-de-tham-hoa-kep-xay-ra-692430.html