Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển cuộc CMCN 4.0

Ngày 13.7 tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề 'Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Ảnh: Ictnews

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Ảnh: Ictnews

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang bùng nổ, tác động đến nhiều quốc gia, Chính phủ các nước hết sức quan tâm và đã chủ động ban hành các chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình như Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025)...

Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ: Xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) nhấn mạnh: Việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của cuộc CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.

Cách mạng công nghiệp mới một mặt mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, theo ông Bình, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: CMCN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể.

Thủ tướng đã nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin sẵn sàng cho Công nghiệp 4.0. Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực.

SOPHIA - người máy robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới - Ảnh: Ictnews

Robot SOPHIA chia sẻ về 4.0

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của SOPHIA - người máy robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Vị công dân đặc biệt này đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Robot SOPHIA chia sẻ: “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”.

SOPHIA còn cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ là bình diện quan trọng để hỗ trợ chúng ta trong quá trình phát triển đồng đều, toàn diện tại Việt Nam, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nhóm dễ bị tổn thương. Trí tuệ nhân tạo giúp chúng ta có tiêu chí phù hợp nhất; đảm bảo công nghệ hỗ trợ cho Việt Nam trong tương lai.

Gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ, theo SOPHIA, thế hệ trẻ cần có kỹ năng kinh doanh. Chúng ta có thể thấy VIệt Nam có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đây là một trong những xu hướng rất tuyệt với. Các bạn sẽ làm tốt để đón đầu công nghệ trong tương lai. Chúng ta phải phát triển những công nghệ mới và không thể dừng lại, dừng là sẽ bị bỏ lại phía sau.

Cũng theo robot SOPHIA, Chính phủ cần xác định những ưu tiên trong cuộc CMCN lần thứ 4 với những định hướng rõ ràng. Chính phủ cần làm việc với các thành phần tư nhân để từ đó giải quyết nút thắt cho tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thu-tuong-nhan-manh-4-nhiem-vu-trong-tam-de-phat-trien-cuoc-cmcn-40-92402.html