Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam và doanh nhân ngành gỗ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” diễn ra tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế đất nước trong 10 năm tới.

Đồng thời, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới.

* Nhiều dư địa phát triển

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ngành chế biến gỗ và lâm sản hiện là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực và là một trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển tích cực, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt trên 8 tỷ USD trong năm 2017, tăng 8 lần so với năm 2005 và tăng 10% so với năm 2016.

Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản đã đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Hiện cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này; trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đang có nhiều dư địa phát triển, nhất là trong lĩnh vực nội thất tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, lĩnh vực nội thất tiêu dùng là ngành kinh tế tiêu dùng có thị trường mãi mãi, vì nhu cầu sử dụng đồ nội, ngoại thất không bao giờ dừng lại.

Trong năm 2017, thị trường đồ nội thất tiêu dùng của thế giới là 428 tỷ USD; trong đó thị trường xuất khẩu là 141 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng 4% trong năm 2018.

Việt Nam hiện đã tham gia được hai nhánh của ngành gỗ, bao gồm: đồ gỗ trong nhà và hệ thống bếp với doanh số khá ấn tượng.

Không dừng lại ở đó, do hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do vừa ký, thị trường thế giới đang để ngỏ khả năng doanh nghiệp Việt Nam gia nhập phân khúc các công trình như khách sạn, văn phòng, bệnh viện, trường học...

Thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp gỗ Việt Nam có khả năng và đã thành công trong việc thi công toàn bộ các công trình lớn, tiêu chuẩn 5 sao chứ không đơn thuần chỉ sản xuất hay bán sản phẩm.

“Với những đóng góp của ngành về mặt dân sinh lẫn kinh tế, chế biến gỗ rõ ràng là ngành kinh tế tiêu biểu của quốc gia. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ, để mỗi khi nhắc đến Việt Nam sẽ kèm cụm từ là trung tâm sản xuất đồ gỗ. Được vậy mới có thị trường bền vững và lợi nhuận tốt cho quốc gia, cho ngành, cho người lao động”, ông Khanh đề xuất.

Bà Axelle Nicaise, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng cho rằng, thời điểm của sự kiện này không thể phù hợp hơn, bởi vì đây là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam được đánh dấu bằng cam kết đáng khen ngợi của Chính phủ và ngành chế biến gỗ Việt Nam khi tham gia cùng EU trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Theo bà Axelle Nicaise, thị trường gỗ quốc tế liên tục phát triển và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chứng chỉ môi trường của các sản phẩm được mua.

Gỗ khi được sản xuất hợp pháp và bền vững thì ngày càng được người tiêu dùng tại EU, những người luôn lo lắng về tác động đối với môi trường của sản phẩm gỗ, đánh giá cao.

Việc Việt Nam chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về FLEGT với EU không chỉ đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được sản xuất hợp pháp, mà còn giúp Việt Nam chinh phục được các thị trường nhập khẩu gỗ lớn cũng đòi hỏi tính hợp pháp của gỗ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

* Hướng đến xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025

Mặc dù còn nhiều dư địa cũng như nhiều thuận lợi phát triển, tuy nhiên ngành chế biến gỗ và lâm sản cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đe dọa sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới.

Ngành chế biến gỗ và lâm sản hiện là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp, do rừng khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ.

Điều này đã làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.

Bên cạnh đó, các vật liệu phù trợ quan trọng cho sản xuất chế biến gỗ như các loại sơn, keo... vẫn phải nhập khẩu, đã làm tăng giá thành sản xuất và giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.

Mặt khác, dù có giá trị xuất khẩu cao, tuy nhiên ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát, chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành.

Sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa cao, tạo áp lực cạnh tranh trong nội bộ và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn ngành.

Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng lại thiếu doanh nghiệp, sản phẩm có tên tuổi để lại dấu ấn sâu đậm trên thị trường quốc tế và thị trường quốc nội.

Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng đúng mức. Đa số các doanh nghiệp vẫn đang là đơn vị gia công, làm theo các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài…

Từ những yếu điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra một số giải pháp khắc phục những tồn tại trên; trong đó, tập trung đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trên thị trường thế giới; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản...

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng cho ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản trong 10 năm tới phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ và lâm sản trong năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 10 - 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 - 13 tỷ USD; đến năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD.

Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017. Trên cơ sở đó, các cấp ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời với cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển.

Ngành chứng năng cũng cần tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng; kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp.

Về phía các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến khích và đề nghị các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp cần tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam và doanh nhân ngành gỗ Việt Nam. Bởi lẽ, đây là yếu tố cần và đủ để đạt được các mục tiêu đề ra cũng như nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam có điều kiện phát triển tốt hơn, bền vững hơn trong thời gian tới./.

Theo Hứa Chung - Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thu-tuong-nhan-manh-viec-xay-dung-thuong-hieu-go-viet-nam/92925.html