Thủ tướng Nhật Bản muốn mời Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào hôm 20/3 cho biết ông muốn mời lãnh đạo của 8 quốc gia không thuộc nhóm G7, bao gồm Việt Nam đến dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 5.

 Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 20/3 đã công bố ý định mời Việt Nam và 7 quốc gia khác dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 vào tháng 5. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 20/3 đã công bố ý định mời Việt Nam và 7 quốc gia khác dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 vào tháng 5. Ảnh: Reuters.

Tờ Yomiuri Shimbun dẫn tuyên bố của Thủ tướng Fumio Kishida trong chuyến thăm Ấn Độ vào hôm 20/3 cho biết Nhật Bản muốn mời lãnh đạo của 8 quốc gia bao gồm Việt Nam, Australia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cooks, Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc đến dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền công nghiệp phát triển G7, dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tại thành phố Hiroshima.

Tuyên bố trên được ông Kishida đưa ra sau bài phát biểu tại thủ đô New Delhi về việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư hơn 75 tỷ USD vào hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ nay đến trước năm 2030.

Đông Nam Á là khu vực duy nhất trên thế giới có 2 quốc gia mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida có ý định mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7.

Trong khi Indonesia vừa giữ chức chức chủ tịch luân phiên của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 trong năm 2022, đồng thời là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2023, việc Việt Nam được mời dự hội nghị được tổ chức tại thành phố Hiroshima là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng.

Nếu nhận lời mời của Thủ tướng Kishida, đây sẽ là lần thứ 3 lãnh đạo Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền công nghiệp phát triển G7.

Trong quá khứ, Việt Nam đã tham dự các hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 lần lượt vào năm 2016 - cũng được tổ chức tại Nhật Bản - và năm 2018 tại Canada.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-nhat-ban-muon-moi-viet-nam-du-hoi-nghi-thuong-dinh-nhom-g7-post1413798.html