Thủ tướng: Ninh Thuận cần lấy kinh tế biển làm động lực phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Ninh Thuận tập trung đổi mới sáng tạo, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp để địa phương trở thành địa chỉ đáng đầu tư.

Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Ninh Thuận là một trong những tỉnh xây dựng quy hoạch sớm nhất, bản quy hoạch đầu tiên của tỉnh đã được ban hành, thực hiện trong hơn 10 năm, đưa Ninh Thuận vươn lên, tiến kịp, đi cùng các địa phương trên cả nước; từ một tỉnh nhóm dưới về phát triển trở thành một tỉnh phát triển trung bình, "đi lên từ "khó, khô và khổ", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, quy hoạch đã tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng.

Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận phải tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến và đáng sống. Địa phương cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển vùng với các tỉnh, thành phố trong vùng Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên.

Tỉnh phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế, chính sách có tính đột phá, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, đô thị thông minh.

Địa phương nên phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Trong đó du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị làm động lực phát triển.

Song song đó, trong công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và tập trung phát triển nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn lực, nhân lực chất lượng cao làm việc tại địa phương.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, tạo ra khung pháp lý cao nhất, công cụ quan trọng trong định hướng phát triển. Với quy hoạch mới, Ninh Thuận tập trung vào 5 nhóm ngành đột phá quan trọng.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Ngọc.

Tỉnh tập trung vào trụ cột năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới. Đây là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Xuân Ngọc.

Chủ tịch UBND Ninh Thuận nhìn nhận, để thực hiện thành công các quy hoạch, phải thực hiện ưu tiên tập trung đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng động lực và hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch phân khu. Địa phương cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại địa phương.

Một góc ven biển của tỉnh Ninh Thuận nhìn trên cao. Ảnh: N.X.

Tại Hội nghị, tỉnh Ninh Thuận cũng trao Quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) 14 dự án lớn với các nhà đầu tư, có tổng số vốn hơn 120.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hưởng ứng kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, 23 đơn vị, doanh nghiệp đã trao cho tỉnh Ninh Thuận hơn 7 tỷ đồng ủng hộ phong trào thi đua Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước từ nay đến năm 2025.

Xuân Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-ninh-thuan-can-lay-kinh-te-bien-lam-dong-luc-phat-trien-2275495.html