Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải

Chiều 13-1, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị. Cùng dự còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2022, bộ đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 8 nghị định, ban hành 49 thông tư theo thẩm quyền, đạt 100% kế hoạch.

Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Đến hết ngày 31-12-2022, so với cùng kỳ năm 2021, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 29,4%; khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%; luân chuyển hành khách tăng 78,3%.

Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch. Trên cả nước, tai nạn giao thông năm 2022 xảy ra 11.457 vụ, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2019, số vụ tai nạn giảm 6.216 vụ (tương đương giảm 35,2%), giảm 1.246 người chết (16,3%), giảm 5.841 người bị thương (42,81%). So với năm 2021, giảm 38 vụ (0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (2,67%).

Năm 2022, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 2 dự án đường sắt trên tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1.

Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông vận tải cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý về chính sách đầu tư BOT, BT trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông vận tải cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý về chính sách đầu tư BOT, BT trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án, đặc biệt lần đầu tiên ngành giao thông vận tải tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến 12 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành. Tính đến ngày 31-12-2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân 47.905 tỷ đồng, đạt khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10-2022, so với bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động vận tải trong nước, tập trung phục hồi vận tải quốc tế đặc biệt là các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt. Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2023 về hàng hóa tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2022. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển dự kiến đạt khoảng 755 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2022.

Tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022. Hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (được giao khoảng 94.161 tỷ đồng).

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung với quyết tâm cao cho nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, nhất là dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng, tiến độ công trình, dự án, không để xảy ra tham nhũng tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải, tháo gỡ những nội dung hiện nay còn chồng chéo, vướng mắc.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của ngành GTVT trong năm 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải trên các lĩnh vực; phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong kết quả chung của cả nước năm qua có sự đóng góp quan trọng của ngành giao thông vận tải. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thể hiện sự quyết tâm, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành; hoạt động của ngành nhanh chóng trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19.

Thủ tướng đánh giá, Bộ Giao thông vận tải đã làm tốt công tác quy hoạch, đã hoàn thành 4/5 quy hoạch chuyên ngành, chỉ còn quy hoạch lĩnh vực hàng không. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng khẩn trương hoàn thành quy hoạch về hàng không trên tinh thần đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, bảo đảm hiệu quả đầu tư và tạo thuận lợi cho đi lại.

Thủ tướng cũng biểu dương nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có khởi công 12 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông gian đoạn 2021-2025. Ngoài khởi công mới, một số dự án thành phần đường cao tốc cũng cơ bản được đưa vào khai thác; một số tuyến đường theo trục Đông-Tây cũng được triển khai tích cực... Đây là khối lượng công việc rất lớn. Thủ tướng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm của cả ngành giao thông vận tải từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Giao thông vận tải cũng đạt tỷ lệ giải ngân cao, hoạt động vận tải bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 đã phục hồi nhanh nhờ nỗ lực của bộ. Bộ cũng tích cực xây dựng và hoàn thiện thể chế; xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, qua đây, chúng ta đã rút ra bài học về đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của các cấp gắn với kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập để ngành giao thông vận tải có giải pháp khắc phục. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông vận tải cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý về chính sách đầu tư BOT, BT trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội. Tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nỗ lực đóng góp vào thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bộ Giao thông vận tải phải thay đổi tư duy, tăng cường giám sát, nhất là trong công tác đấu thầu, giám sát thi công. Rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc trong công tác đăng kiểm ô tô, tổ chức lại công tác này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành giao thông vận tải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, dự báo tình hình thế giới còn khó khăn, tác động đến Việt Nam. Do đó chúng ta phải nắm chắc tình hình, xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi nhưng phải quyết tâm vượt qua, chuẩn bị tâm thế, nguồn lực đối phó chủ động, tích cực.

Thủ tướng nêu rõ, phải nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương; tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng, tháo gỡ điểm nghẽn, hợp tác đối tác công tư; nếu vướng mắc ở đâu cần nỗ lực tháo gỡ, vấn đề là phải làm nghiêm túc, không được tham ô, tham nhũng; phải có cơ chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ.

Luôn đổi mới sáng tạo để tạo ra nguồn lực, tập trung cho chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố phải tích cực, chủ động hơn nữa trong phát triển hệ thống giao thông, không trông chờ, ỷ lại.

Thủ tướng yêu cầu các dự án đã được phê duyệt phải triển khai nhanh, nhất là cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án tránh đội vốn bất hợp lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Động viên, cổ vũ, khen thưởng những cá nhân, tổ chức làm tốt. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo.

Nghiên cứu xây dựng các dự án kết nối với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia; phát huy tối đa các dự án hợp tác đối tác công tư. Đẩy nhanh nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao (khoảng 200km/giờ), nghiên cứu đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ trên tinh thần tìm hướng tuyến thẳng nhất, tạo không gian phát triển mới; hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án đối tác công-tư về phát triển các tuyến cao tốc, kết nối cảng biển...

Thủ tướng bày tỏ, nhiệm vụ năm 2023 nặng nề hơn cho nên Bộ Giao thông vận tải phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, làm việc nào dứt điểm việc đó, đạt kết quả cao hơn năm 2022.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-tong-ket-nam-2022-trien-khai-ke-hoach-nam-2023-cua-bo-giao-thong-van-tai-716569