Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Sáng 15.5, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, 18.5 và 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ

Tới dự có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.

Cùng dự có: Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KHCN và các nhà khoa học.

65 năm phát triển để lại những dấu ấn lịch sử

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4.3.1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, quy định ngày 18.5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

65 năm qua, các thành tựu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn kiện Đại hội XII, XIII… khẳng định “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”; “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Thông qua hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, khoa học và công nghệ đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng. Đi sau thế giới gần 50 năm, nhưng với chính sách, đầu tư đúng đắn vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sau 30 năm, Việt Nam đã bắt kịp trình độ ghép tạng trên thế giới; khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp…

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Các đại biểu tham dự buổi lễ

“Đầu tư cho khoa học và công nghệ, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng theo hướng xã hội hóa. Trước đây chủ yếu chi từ ngân sách nhà nước thì nay tỷ trọng đã gần ngang bằng nhau (52% và 48%). Công tác quản lý nhà nước, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cũng luôn được quan tâm đổi mới, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ sự tâm huyết và mong muốn được cống hiến cho ngành khoa học nước nhà. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, các nhà khoa học nông nghiệp luôn trăn trở về các đề tài, công trình nghiên cứu, tìm hiểu những khó khăn tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn để tìm ra những giải pháp mới. Nhiều nhà khoa học nông nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu là cách tri thức hóa nông dân trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường nhấn mạnh, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, đặc biệt, Hải Phòng đạt 52,32 điểm, đứng thứ 3 cả nước sau Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Đạt được những thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển sinh học nông nghiệp tiên tiến, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thông qua chính sách, cơ chế thúc đẩy khuyến khích lĩnh vực khoa học và công nghệ nguồn nhân lực đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài chia sẻ, Thaco đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến trong hoạt động sản xuất và quản trị điều hành, hướng đến xây dựng mô hình nhà máy thông minh. Riêng năm 2023 có hơn 3.500 sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mang lại giá trị công nghệ và kinh tế cao.

6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành khoa học và công nghệ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày KHCN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.

Cách đây 61 năm, ngày 18.5.1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến dự Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ... Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động khoa học công nghệ nước nhà trong suốt hơn 65 năm qua.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khoa học công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn và quay lại phục vụ thực tiễn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì lợi ích Nhân dân. Mục tiêu cao nhất và cuối cùng của Đảng, Nhà nước là bảo vệ vững chắc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Do đó, cũng như mọi ngành, nghề lĩnh vực khác, khoa học công nghệ phải phục vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Các đại biểu dự buổi lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các đại biểu dự buổi lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế” và “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, phát huy hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung vào 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực khoa học công nghệ, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực khoa học công nghệ. Tập trung phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho khoa học công nghệ về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...

Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: Tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hội nhập thế giới.

Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp 65 năm qua của ngành khoa học và công nghệ, đội ngũ các nhà khoa học sẽ đồng hành cùng cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tinh thần vượt khó, sự say mê, đam mê trong nghiên cứu khoa học công nghệ để có những đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hai nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu

Cũng tại buổi lễ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 cho hai nhà khoa học, PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen, góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp; và TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam với công trình được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters (tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành Vật lý), thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh

Phát biểu tại lễ nhận giải thưởng, TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, bản thân rất bất ngờ khi được trao giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu. TS Thanh chia sẻ, tình yêu vật lý của tôi không rõ bắt đầu từ khi nào, từ lúc học phổ thông hay đại học, tôi không dám chắc. Chỉ biết tôi cảm nhận rõ nét nhất tình yêu đó khi tôi theo đuổi nghiên cứu cùng các thầy trong nhóm hệ điện tử tương quan mạnh tại Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý. Nhưng cuộc sống thì luôn không dễ dàng và tình yêu thì luôn đầy thử thách. “Hãy dám sống vì đam mê, vì tình yêu của các bạn, rồi tình yêu sẽ được hồi đáp một cách xứng đáng nhất”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh nhấn mạnh.

Năm 2024, giải thưởng tiếp nhận 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ. Số lượng hồ sơ đề cử tại kỳ xét tặng giải thưởng năm nay tăng gấp đôi so với mọi năm và đều có chất lượng rất tốt.

+ Trong khuôn khổ sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực gian hàng trưng bày các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, khoa học xã hội và nhân văn... thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan gian trưng bày mô hình Điện Kính Thiên tại triển lãm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan gian trưng bày mô hình Điện Kính Thiên tại triển lãm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra sản phẩm khoa học và công nghệ trưng bày tại triển lãm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra sản phẩm khoa học và công nghệ trưng bày tại triển lãm

Nhiều gian hàng gây ấn tượng với các giải pháp ưu việt, điển hình như Kiosk MediPay - giải pháp y tế thông minh do HDBank hợp tác triển khai cùng Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia - Bộ Y tế giúp các bệnh nhân được đăng ký khám chữa bệnh nhanh chóng, thanh toán viện phí 100% không tiền mặt bằng cách tích hợp tài khoản thanh toán viện phí thông minh với tài khoản khám chữa bệnh và căn cước công dân. Chỉ từ 1-2 phút, bệnh nhân hoàn toàn chủ động thực hiện toàn bộ quy trình trên tại các Kiosk MediPay đặt tại các bệnh viện.

Kiosk MediPay được HDBank tài trợ hoàn toàn miễn phí cho các cơ sở y tế nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế theo định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế. Mới đây, HDBank đã thử nghiệm thành công và dự kiến trong thời gian tới sẽ đặt các Kiosk tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe HDBank giới thiệu Kiosk MediPay - giải pháp y tế thông minh do HDBank hợp tác triển khai cùng Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia – Bộ Y tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe HDBank giới thiệu Kiosk MediPay - giải pháp y tế thông minh do HDBank hợp tác triển khai cùng Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia – Bộ Y tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham quan gian trưng bày sản phẩm KHCN bên lề buổi lễ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham quan gian trưng bày sản phẩm KHCN bên lề buổi lễ

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền tham quan Triển lãm các sản phẩm KHCN tiêu biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền tham quan Triển lãm các sản phẩm KHCN tiêu biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cuốn sách “Dấu ấn ghép tạng Việt Nam”

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cuốn sách “Dấu ấn ghép tạng Việt Nam”

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền chụp ảnh kỷ niệm tại Triển lãm các sản phẩm KHCN tiêu biểu

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền chụp ảnh kỷ niệm tại Triển lãm các sản phẩm KHCN tiêu biểu

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm KHCN của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm KHCN của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chí Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-i371810/